banner  

Từ sự đồng cảm của một trái tim người mẹ

Thứ sáu, 04/03/2011

SGTT.VN - Sáng thứ bảy 26.2.2011, bệnh viện (BV) Nhi Đồng 2 đã khánh thành khoa ung bướu – huyết học. Ở TP.HCM, đây là khoa ung bướu đầu tiên trong các BV chuyên khoa nhi, là khoa ung bướu nhi thứ ba, sau khoa nội 3 (hay khoa nhi) ở BV Ung bướu TP.HCM và khoa ung thư nhi ở BV Truyền máu – huyết học.

Câu chuyện bắt đầu vào một ngày đầu tháng 8.2010, bạn – một nữ doanh nhân – gửi cho tôi một slide show hình ảnh để chia sẻ, trong đó có những lời đầy ý nghĩa sau:

Những bệnh nhân ung thư đầu tiên của khoa ung bướu – huyết học.

...Sống một cuộc đời có ý nghĩa, đó không phải là sự tình cờ mà là sự lựa chọn.

Và bạn đã lựa chọn một cách sống có ý nghĩa, đó là trực tiếp đóng góp và chia sẻ với cộng đồng...

Trưa thứ năm ngày 24.2.2011 – hai ngày trước khi BV Nhi Đồng 2 khánh thành khoa ung bướu – huyết học, trong khi thợ xây dựng tất bật hoàn tất những việc cuối cùng, tôi đã thấy ba bệnh nhân của khoa nội 3 (BV Ung bướu) được chuyển sang đây để chờ mổ lại. Nhìn thấy những “cái đầu tròn” (các tình nguyện viên trẻ của chương trình Nụ cười của Ben vẫn gọi những bệnh nhi ung thư bằng nickname thân thương này) trong khung cảnh sáng, thoáng và đầy đủ tiện nghi của BV Nhi Đồng 2, tôi bỗng thấy nghẹn.

Nếu đã từng đến thăm các bé bị ung thư điều trị tại khoa nội 3 ở BV Ung bướu TP.HCM, bạn sẽ không thôi bị ám ảnh bởi không gian chật chội và đầy mùi hơi người ở đây – nơi các bé phải truyền thuốc ngay dưới sàn nhà; ngủ nơi gầm giường, hành lang. 160 bé điều trị thường xuyên, cùng với một hoặc hai người thân đi theo, trong một không gian chỉ có thể kê được tối đa 50 cái giường!

Vào thăm khoa nội 3 (BV Ung bướu TP.HCM) vào một buổi chiều đầu tháng 8.2010, chị Lê Hải Liễu – chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc công ty cổ phần gỗ Đức Thành – đã sửng sốt lẫn xót xa. Khung cảnh các phòng bệnh trong khoa nhi vào buổi chiều tối trông càng ảm đạm. Đêm đó về nhà, bạn thú nhận cùng tôi là không thể ngủ được mỗi khi nhớ lại hình ảnh các bé với cây kim tiêm chờ sẵn trên tay trong khung cảnh chật chội, thiếu tiện nghi ở đó.

Hai vợ chồng ông Lê Như Ái và bà Lê Hải Liễu

Sau buổi thăm đột xuất đó, cô đã bàn bạc cùng chồng – anh Lê Như Ái, tổng giám đốc công ty nước tinh khiết Saigon (Sapuwa) – và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của anh. Ngay lập tức, cô đã “gõ khắp các cửa” để nhờ cậy bạn bè tìm một nơi có thể xây dựng chỗ điều trị cho các bé. Nhìn cách làm việc “thần tốc” của cô mới thấy sự sốt ruột của một người mẹ nơi cô. Nghĩ đến các con mình, cô càng thương các bé bị ung thư và muốn mau chóng có một nơi điều trị tốt hơn dành cho các bé.

Với sự giúp sức của một người bạn đang làm việc ở sở Kế hoạch và đầu tư, cô đã gặp gỡ ban giám đốc BV Nhi Đồng 2 và hai bên đã thống nhất phương án sửa chữa nâng cấp khoa huyết học tại đây thành khoa ung bướu – huyết học. Công trình nâng cấp sửa chữa ban đầu dự tính chỉ có 1,5 tỉ đồng, được khởi công từ đầu tháng 12.2010 nhưng trong quá trình làm, đã phát sinh thêm gần 500 triệu đồng nữa, trong đó có việc trang bị Góc chơi của bé dành cho các bệnh nhi ngay tại khoa. Những ngày cận tết, dù bận nhiều việc, hai vợ chồng cô đã quyết định bỏ thêm tiền và bám sát tiến độ công trình để kịp khánh thành vào ngày Thầy thuốc Việt Nam.

Biết bạn gần 20 năm – một nữ doanh nhân nổi tiếng kinh doanh giỏi – tôi không bao giờ thấy bạn khoe hàng hiệu, khoe những thú vui giải trí của mình, mà chỉ thấy bạn say sưa nói về công việc. Hết việc này đến việc kia, việc nào bạn cũng dồn tâm, dồn sức và luôn cầu toàn. Ngay cả với việc này, bạn cũng dồn tâm sức và cầu toàn đến cả những chi tiết nhỏ trong xây dựng, cốt để các bé cảm thấy thoải mái khi điều trị!

Là một người mẹ có con bị bệnh ung thư, tôi biết ơn nghĩa cử của bạn. Và tôi muốn nhiều người cùng biết đến bạn, người đã sống một cuộc đời ý nghĩa. Ý nghĩa không nằm trong cái bạn lấy, nhưng nằm trong cái bạn cho…

bài và ảnh: Thanh Thuỷ
Theo SGTT

Ý kiến bạn đọc