banner  

Doanh nhân LÊ HẢI LIỄU: Tôi kỵ phải nói lời xin lỗi

Thứ năm, 14/10/2010

“Bà là một trong những doanh nhân Việt Nam đang đưa đất nước này đến một tương lai tươi sáng hơn, thịnh vượng hơn”. Đó là lời giới thiệu của Ông Norman Y.Mineta - Bộ trưởng Bộ thương mại Hoa Kỳ, trong chuyến thăm Việt Nam cùng Tổng thống Bill Clinton năm 2000 về bà Bà Lê Hải Liễu – Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị, thương hiệu dẫn đầu trong lĩnh vực khai thác, chế biến gỗ tại Việt Nam với các sản sản phẩm gỗ dùng trong nhà và các loại đồ chơi cho trẻ em. Thành công đó một lần nữa khẳng định phương châm kinh doanh của Doanh nhân Lê Hải Liễu là đúng đắn, có lẽ “sỹ diện” đã tạo nên lợi thế trong chị. Vì sỹ diện nên chữ “Tâm” và chữ “Tín” được người quản lý này coi trọng và trở thành thứ đạo mà chị đặc biệt tôn thờ. Chị cũng thẳng thắn thừa nhận: “Tôi thành công nhờ sỹ diện”, bởi “ tôi rất kỵ khi phải nói lời xin lỗi với khách hàng, rất xấu hổ khi phải biện minh cho những sai sót của mình. Muốn vậy chỉ còn một cách duy nhất là đừng bao giờ gây ra lỗi…”

Kinh doanh giỏi vì sỹ diện

Xuất thân từ một gia đình tư sản với cuộc sống đủ đầy, sung túc nhưng chị không mang trong mình tư tưởng và phong cách như một tiểu thư con nhà khá giả thường thấy. Với dáng vẻ cứng cỏi, sự mạnh mẽ, dứt khoát toát lên từ quan điểm và cách giải quyết vấn đề chính là một trong những yếu tố tạo nên một cá tính rất riêng của Lê Hải Liễu.

Cũng vì thế mà cô Liễu ngày ấy đã muốn thoát ra khỏi vỏ bọc của gia đình, xin gia nhập quân ngũ nhằm học cách đối mặt với khó khăn. Sau giải ngũ, chị trở thành sinh viên của trường Đại học Kinh tế TPHCM. Dù luôn chăm chỉ học tập nhưng thi thoảng vẫn phảng phất bên tai cô gái ấy những lời nói nhẹ tựa gió mây: “Bộ đội mà, học hành sao nổi?” “Không sao. Học thật giỏi cho coi!” - Tức mình chị quyết dốc hết tâm trí để học. Chị đã học tốt hơn lúc nào hết và chứng minh bằng lời mời ở lại làm giảng viên của ban giám hiệu nhà trường. Trở thành người công tác trong ngành giáo dục nhưng nhiều điều vẫn còn khiến chị suy nghĩ, người phụ nữ đó lại thử sức với một ngã rẽ mới là làm kinh doanh.

Vào những năm 90, chị sang Đức để học thêm về lĩnh vực này, sau đó về nước tiếp nhận công việc tại doanh nghiệp chế biến gỗ Đức Thành do cha mình thành lập. “Lúc đó tôi còn quá trẻ, kiến thức chuyên môn không có lại thường bị không ít lời đàm tiếu từ các “đấng mày râu”. Mặt khác, ngành sản xuất hàng gia dụng bằng gỗ cao su xuất khẩu còn mới lạ ở Việt Nam, trong khi Đức Thành lại chưa ai biết đến nên việc tìm đơn đặt hàng từ nước ngoài là cả một vấn đề” - Chị chia sẻ. Muốn tồn tại Đức Thành buộc phải tìm ra hướng đi mới. Và mỗi bước đi mới là một khó khăn, trở ngại khi kinh nghiệm sản xuất còn hạn chế, đầu ra của sản phẩm chưa có, sự khác biệt để tạo nên sức cạnh tranh với các thương hiệu đi trước…

Từ những sức ép phải đối mặt khiến chị trăn trở rất nhiều. Khi đó, thị trường trong nước thường quen với những sản phẩm chế biến từ gỗ quý mà nguồn nguyên liệu này thì hạn hẹp dần, chị bắt đầu hướng đến loại cây cao su. Đặc tính của loại cây này là sau khi khai thác mủ trong một thời gian sẽ phải bỏ đi để thay thế một lứa mới. Thường thì gỗ của chúng được sử dụng làm chất đốt hoặc phong hóa, như vậy sẽ rất lãng phí. Một loại cây nữa cũng có chất lượng gỗ tương đương mà dễ sinh trưởng phát triển ở nước ta là tràm bông vàng. Chúng là tiềm năng lớn để xuất khẩu. Trong quan điểm của mình, chị luôn muốn hướng đến những điều khác biệt và không chấp nhận làm cái bóng của người khác. Việc tìm ra gỗ của hai loại cây trên là một ví dụ tiêu biểu bởi chúng vẫn chưa được doanh nghiệp nào tại Việt Nam biết đến. Đức Thành cũng nhờ đó mà luôn có nguồn nguyên liệu dồi dào để sản xuất.

Quyết định của Lê Hải Liễu đã đem đến cho Đức Thành hai lợi thế: khai thác được thế mạnh quốc gia là nguồn gỗ cao su bạt ngàn, đồng thời mở ra một hướng đi, một thị trường mới mà ở đó giảm thiểu được sự cạnh tranh. Với kế hoạch cụ thể và đội ngũ công nhân được rèn luyện tay nghề cao, bước đầu Đức Thành đã có những kết quả khả quan. Năm 1995, công ty nhận được các đơn hàng sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh. Năm 1998, Đức Thành đã bắt đầu tự thiết kế nhiều mặt hàng mới, tăng thêm nhiều chủng loại sản phẩm và mạnh dạn mở rộng thì trường quốc tế. Bên cạnh đó, Đức Thành cũng đã được BVQI cấp chứng chỉ chất lượng ISO 9000:2000 tháng 12/2000.

Không ngừng đổi mới, đó là một trong những bí quyết để Đức Thành liên tục phát triển và đạt tốc độ tăng trưởng doanh số ấn tượng từ 25 – 30% năm.

“Một lần nhìn con chơi với đống đồ chơi ngoại nhập, “tự ái dân tộc” nổi lên, tôi tự hỏi mình sao không sản xuất đồ chơi cho trẻ em Việt Nam? Sao không đem các nhân vật cổ tích, danh nhân Việt Nam vào đồ chơi? Thế là nhãn hiệu đồ chơi mới Winwintoys của Đức Thành ra đời.

“Sỹ diện” nhưng phải có niềm đam mê, đây mới chính là yếu tố tạo nên sức mạnh để thành công” (cười).

Cái “Tâm” rất quan trọng

Song song với hướng đi mới chị coi trọng việc tổ chức quản lý bởi với chị “việc sống còn của doanh nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào hiệu quả của việc quản lý tốt”. Từ khoảng 60 nhân viên trong những ngày đầu mới thành lập, đến nay con số đó đã lên đến hơn một nghìn người. Để quản lý hiệu quả số lượng người như vậy thật không dễ nhưng chị luôn tâm niệm “mình hết lòng vì họ thì họ sẽ hết lòng lại với mình”.

Với chị, cha chính là vị quân sư, người luôn mang đến cho mình những bài học thấm thía, sâu sắc. Chị tâm sự: “Những ngày mới chập chững bước vào thương trường chính cha là nguồn động viên và tiếp thêm sức mạnh cho mình. Ông thường nói trong việc quản lý muốn có được sức mạnh phải biết đối xử với công nhân cho tốt. Đối với cấp dưới, tôi vừa mềm dẻo, vừa cứng rắn; luôn hài hòa giữa lý và tình. Khi họ làm việc tốt, có những sáng kiến hữu ích cho công ty tôi thưởng rất hậu. Có những thời điểm tôi gần như không “xài” một đồng nào cho riêng mình mà chỉ “xài cho anh em”. Những cố gắng và kết quả làm việc của công nhân luôn được chị công nhận, chính những điều đó là động lực để khuyến khích tinh thần lao động sáng tạo của người lao động với mong muốn cống hiến hết sức mình vì sự phát triển chung. Trong những ngày công ty còn non trẻ, đã có lúc chị rơi vào tình trạng đi vay nóng với lãi suất cao để trả tiền lương đúng hạn cho người lao động. Chị luôn nhớ lời dạy của cha: “Không bao giờ được trả lương trễ hạn cho công nhân, dù chỉ một ngày. Làm lãnh đạo phải có cái “tâm” và mang niềm vui đến với người khác”.

Có những điều đặc biệt mà khó tìm thấy ở nhiều doanh nghiệp như Đức Thành đó là cái tình của người lãnh đạo. Cha chị, ông Lê Ba, ngày ấy là chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty đã cùng con gái mình luôn cố gắng để chăm lo cho đời sống nhân viên bằng những việc làm thiết thực nhất. Mọi công nhân đều được bảo hiểm tai nạn lao động 24/24. Với công nhân nữ, khi mang thai đến lúc sinh con được 6 tháng, họ sẽ được nhận hai hộp sữa và 200.000 đồng tiền bồi dưỡng theo từng tháng,... Khi UBND Thành Phố có chủ trương cho nhập hộ khẩu đối với người tạm trú lâu năm, chị liền đề nghị phòng nhân sự tìm hiểu để giúp những công nhân đủ tiêu chuẩn làm thủ tục. Đức Thành còn hỗ trợ cho vay để mua xe, mua đất, mua nhà và mời người về tận công ty dạy và tổ chức thi lấy bằng lái xe cho công nhân viên. Hàng năm, có nhiều nhân viên được công ty tặng cổ phần, mua bảo hiểm nhân thọ. Để hạn chế cho công nhân mình bị phạm lỗi, chị kiểm tra xem họ đã nắm vững mọi quy định của công ty chưa. Dù bận trăm công nghìn việc, nhưng chị luôn quan tâm, sâu sát với công nhân viên của Đức Thành. Với chị, việc làm từ thiện ngoài xã hội luôn được chú ý nhưng trong công ty mình vẫn còn đó nhiều gia cảnh khó khăn mà Đức Thành cần lưu tâm giúp đỡ. Đây là cách thiết thực nhất để người lao động gắn bó hơn với công ty.

Nếu như năm 2008 - 2009, cơn bão khủng hoảng kinh tế đã khiến nhiều doanh nghiệp bị suy sụp thì Đức Thành vẫn tự tin đứng vững với lợi nhuận sau thuế trên Doanh thu thuần của năm 2009 đạt ngoạn mục khoảng 18%. Tuy vậy, khó khăn chung vẫn tác động không nhỏ tới sự ổn định của Đức Thành. Đầu năm 2009, đơn hàng gần như bị ngưng trệ toàn bộ mà đây lại là công ty xuất khẩu, chưa bao giờ Đức Thành rơi vào tình trạng khiến chị đau đầu đến vậy. Cắt giảm chi phí, giảm lương hay giảm nhân sự? Tất cả đều mang lại cú sốc cho người lao động, cách giải quyết đó cũng giống như các doanh nghiệp khác mà thôi.

Nghĩ vậy chị quyết định tìm cho mình một cách làm mới, thông qua một “Buổi họp hiến kế” của toàn công ty. Sau khi phân tích tình hình mọi người tỏ ra rất thông cảm, cùng đi tìm hướng giải quyết tích cực. Kết quả cuối cùng khiến chị rất bất ngờ. Dưới sản xuất đề nghị sẽ không làm việc tăng ca – tức là cắt giảm việc tăng lương làm ngoài giờ, cũng giảm luôn chi phí sản xuất khác... Khối văn phòng vẫn hoàn thành công việc mà tự nguyện nghỉ 1 đến 2 ngày trong tuần không hưởng lương. Đây là những ý kiến mà anh em đưa ra nên nhận được sự đồng thuận cao và dễ dàng được hưởng ứng. “Tôi nghĩ không gì vui hơn khi những việc mình làm cho nhân viên đã được công nhận. Khi họ khó khăn công ty luôn bên cạnh giúp đỡ, đến lúc tình hình kinh doanh của Đức Thành không thuận lợi, toàn bộ công nhân viên lại nhiệt tình sát cánh để vượt qua giông bão.

Qua đây mới thấy sự “cho” và “nhận” thật sự ý nghĩa”. Chính sự “cho đi” đã tạo nên khối đoàn kết vững mạnh để Đức Thành tự tin băng qua sóng gió và đạt nhiều kết quả đáng nể trong thời gian này mà theo các nhà phân tích tài chính của Rich Education (một tổ chức đào tạo, phân tích tài chính quốc tế uy tín) thì: “Công ty gỗ Đức Thành là tình huống kinh điển cho khuôn mẫu doanh nghiệp đặt trọng tâm vào hoạt động kinh doanh gần như tuyệt đối. Chắc chắn rằng, vốn chủ sở hữu sẽ gặt hái hiệu quả càng ngày càng cao”.

Luôn đảm bảo chữ “Tín”

Chị luôn tâm niệm câu nói “Ngàn lời hứa không bằng một việc làm cụ thể”, đây cũng là bí quyết để Đức Thành luôn giữ vững niềm tin trong lòng khách hàng. Chính cái tâm của người lãnh đạo là yếu tố quan trọng giúp Đức Thành thực hiện tốt phương châm ấy. Sự kiện khủng hoảng kinh tế vừa rồi là một bằng chứng cho thấy cách làm đúng đắn và hợp lý hợp tình của chị. Năm 1997, châu Á đang lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế, Đức Thành phải ngừng thu mua nguyên liệu vì khách dừng đặt hàng. Tuy nhiên khi tình hình ổn định trở lại, họ lại yêu cầu cao hơn cả về chất lượng lẫn nguyên liệu. Công ty lâm vào tình trạng mất vốn đầu tư vào nguyên liệu trước đó. Bằng sự linh hoạt trong quản lý chị đã cho kiểm soát chặt từng công đoạn sản xuất; đòi nợ, truy thu; lấy khoản dự phòng để mua nguyên liệu khác… Cuối cùng Đức Thành đã vượt qua khủng hoảng và đảm bảo cam kết về thời gian cũng như chất lượng hàng hóa với khách hàng.

Vì 95% hoạt động của công ty là xuất khẩu, đối tượng khách hàng chính này là người nước ngoài nên họ rất “khó tính” về chất lượng nguyên liệu, độ an toàn và hàng loạt tiêu chuẩn quốc tế khác luôn được kiểm duyệt nghiêm ngặt, do vậy để giữ vững niềm tin với họ không có cách nào khác là Đức Thành phải luôn đảm bảo ủy tín. Điều này cũng đúng với tính cách con người chị rất kỵ khi phải nói lời xin lỗi với khách hàng, rất xấu hổ khi phải biện minh cho những sai sót của mình. Tôi không bao giờ cho phép lý do gì cản bước chân mình cũng như không chấp nhận việc đổ lỗi cho hoàn cảnh”. Nhờ vậy mà trong 19 năm qua chưa có khách hàng nào phàn nàn về Đức Thành và hàng của công ty chưa bị trả về bao giờ. Khi đã có niềm tin rồi mọi thứ thực hiện rất thuận lợi và dễ giải quyết. Chị bộc bạch: “Chỉ cần một câu nói, chúng tôi đã có thể lập được đơn hàng vài trăm ngàn thậm chí cả triệu đô. Câu nói của đối tác, của khách hàng “tôi tin Đức Thành”, “tôi tin bà Liễu” đã đem về cho chúng tôi rất nhiều không chỉ có vấn đề vật chất, mà cả tác dụng tinh thần”. Một khi các đối tác tín nhiệm nên họ không ngần ngại hợp tác đầu tư vào Đức Thành.

Năm 2007, công ty tiếp tục nhận được nguồn đầu tư từ BankInvest (Quỹ đầu tư vào lĩnh vực tư nhân của Tập Đoàn BankInvest – Đan Mạch) với số vốn 32 tỷ đồng, tương đương 2 triệu USD sau quỹ Mekong Enterprise Fund II[1] đã đầu tư 1,35 triệu USD vào năm 2005 và đầu tư bổ sung 400.000 đô la Mỹ trong năm 2006. Đây là những đối tác chiến lược để Đức Thành có bước tiến vững chắc bởi theo chị điều quan trọng là công ty được hỗ trợ thêm về mặt quản lý, được họ đồng hành chia sẻ những khó khăn trong bài toán cạnh tranh trong toàn cầu.

Trên nguồn vốn ấy, chị dự định sẽ xây dựng thêm nhà máy thứ ba ở Bình Dương, trong đó dành ra một khu vực để làm nhà nghỉ cho công nhân. Đến nay, sản phẩm của Đức Thành đã có mặt tại Việt Nam và xuất khẩu đến khoảng 50 quốc gia trên thế giới. Sản phẩm của công ty cũng đã được BVQI cấp chứng chỉ chất lượng ISO 9000:2000 từ tháng12/2000. Doanh thu của Đức Thành giờ đạt trên 150 tỷ đồng/năm, với hơn 1000 CBCNV thu nhập bình quân trên 3 triệu đồng/người/tháng. Và như nhận định từ các nhà phân tích tài chính của Rich Education thì: “Với các số liệu tài chính cho phép chúng ta có thể xem Đức Thành như một cỗ máy in tiền. Chắc chắn rằng, vốn chủ sở hữu sẽ gặt hái hiệu quả càng ngày càng cao”.

Gia đình là điểm tựa bình yên

Nam giới làm chủ doanh nghiệp đã là rất bận rộn và trách nhiệm nặng nề rồi, còn chị ngoài việc đảm bảo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động, đường lối phát triển kinh doanh, thuế má, thu nhập… còn phải luôn cố gắng để hoàn thành vai trò của người phụ nữ trong gia đình. “Đôi khi làm doanh nhân có gì đó mâu thuẫn với thiên chức người phụ nữ” – Chị cười. Thế nhưng chính gia đình là yếu tố quan trọng để tạo nên sự hoàn thiện của Chị Lê Hải Liễu. “Khi công việc căng thẳng, mệt mỏi chị lại về nhà cùng con vui đùa. Hễ có thời gian là xách giỏ đi chợ mua biết bao nhiêu đồ ăn để chiêu đãi cả nhà. Với chị, gia đình chính là nơi trú ngụ bình an nhất để khi bước vào những gian nan thử thách bản thân lại thấy tự tin và vững vàng hơn.

- Tôi hỏi ông xã chị - doanh nhân Lê Như Ái (GĐ Công ty nước tinh khiết Sapuwa): Quen với phong cách lãnh đạo, hay ra chỉ thị với người khác vậy đã khi nào trước anh, chị ấy “trót quên?” Những lúc ấy tôi lại nhẹ nhàng: “Em quên trước mặt em là ai rồi à?”. Cô ấy là như thế, cương quyết, cứng rắn nhưng lại dịu dàng, đằm thắm như thủa nào.

- Chị là một người vừa thông minh lại giỏi giang, điều đó có khiến anh cảm thấy mất tự tin?

- Tôi luôn là người tự tin mà. Chúng tôi rất tôn trọng nhau.

Chị cởi mở: “Nếu xảy ra mâu thuẫn tôi và ông xã sẽ cùng tìm cách giải quyết và làm theo những gì cả hai thấy hợp lý. Anh ấy còn là người cố vấn đắc lực cho tôi trong công việc. Tôi đã học được rất nhiều từ anh”. Nói về sự may mắn nhất trong cuộc đời mình chị không khỏi tự hào xúc động: “Đó là ông xã tôi. Cảm ơn cuộc sống đã mang anh ấy đến bên tôi”.

Thường xuyên xa nhà vì những chuyến công tác nước ngoài, sự căng thẳng của công việc, áp lực cạnh tranh trên thương trường... nhưng chị vẫn biết cân bằng cuộc sống. Đó là những bữa cơm ấm áp bên chồng con, chở con dạo quanh sân với chiếc xe đạp nhỏ, tiếng cười nói tíu tít của con gái sau mỗi lần mẹ đi làm về, cả nhà háo hức khi về thăm ông bà nội ngoại... Với chị đó mới chính là hạnh phúc đích thực. Một hạnh phúc yên bình làm điểm tựa để người phụ nữ ấy tiếp tục đưa Đức Thành ngày càng tiến mạnh, tiến xa hơn nữa...

Bà Lê Hải Liễu 5 năm liền đạt danh hiệu “Doanh nhân Sài Gòn tiêu biểu”, “Doanh nghiệp uy tín – chất lượng”, “ Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín” nhiều năm liền, “Gương điển hình xuất sắc toàn quốc”, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và nhiều bằng khen, giấy khen khác. Bà vừa được nhận danh hiệu “Danh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2009” nhân ngày Doanh nhân Việt Nam.

Theo "Chuyện Người đương thời 5"

 

Ý kiến bạn đọc