banner  

Nhỏ và xinh

Thứ sáu, 10/06/2016


img0127

Đây không phải là lần đầu doanh nghiệp có quy mô nhỏ nhất trong số các công ty chế biến gỗ đang niêm yết giữ vững phong độ dù thời thế không ủng hộ. Giai đoạn khủng hoảng tài chính châu Á 1997 - 1999, các nhà điều hành Đức Thành khéo léo đổi hướng con tàu xuất khẩu của họ từ châu Á sang các nước phương Tây ít rủi ro hơn. “Khủng hoảng dường như chỉ khiến chúng tôi phất lên sau đó, ” bà Lê Hải Liễu, chủ tịch công ty gỗ Đức Thành chia sẻ với tạp chí Forbes Việt Nam nhân dịp công ty lần đầu tiên được bình chọn vào danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam năm 2016.

Đại hội cổ đông Đức Thành hồi tháng tư vừa qua làm nức lòng cổ đông với thông tin nâng mức cổ tức lên 50% từ mức 30% dự kiến. Đây là thành quả do doanh thu cao hơn nhờ hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam, quốc gia đang có lợi thế xuất khẩu gỗ đứng nhất ASEAN và thứ hai của châu Á do chi phí nhân công cạnh tranh hơn. Ngoài ra, giá cao su nguyên liệu đầu vào giảm giúp cải thiện biên lợi nhuận, cụ thể 21% so với mức 19% của năm 2014. “Chúng tôi thích mức cổ tức này,” Petri Deryng, giám đốc quỹ PYN Elite Fund, cổ đông lớn thứ hai hiện nắm giữ 10% cổ phần Đức Thành, có kinh nghiệm đầu tư vào các công ty gỗ tại Việt Nam như Trường Thành, Đức Long Gia Lai chia sẻ. Trong lịch sử, Đức Thành thường duy trì mức cổ tức tiền mặt cao, đều đặn 25 - 30%/năm.

Công nghiệp chế biến gỗ hiện là ngành hàng xuất khẩu đứng thứ năm của Việt Nam sau dầu thô, dệt may, giày dép và thủy sản. Ước tính cả nước có gần 4.000 doanh nghiệp chế biến gỗ, hầu hết là các công ty quy mô nhỏ, theo cục Xúc tiến Thương mại. Giai đoạn khủng hoảng kinh tế từ năm 2008, hàng loạt doanh nghiệp trong ngành bị suy yếu nghiêm trọng do khả năng tiếp cận vốn suy giảm, năng lực sản xuất kinh doanh co hẹp. Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (Hawa) thông báo trong năm 2008 - 2009, gần 50 trong tổng gần 350 doanh nghiệp thành viên họ không thể liên lạc hoặc bị ngừng hoạt động. Trường Thành, doanh nghiệp gỗ niêm yết có tổng tài sản lớn nhất đối diện khủng hoảng ngân lưu suýt rơi vào tình trạng ngưng hoạt động.

Đức Thành, quy mô bằng 1/10 Trường Thành, không đứng ngoài tình hình chung này. Nhưng một lần nữa họ vượt qua cơn bão. Năm 2009, các đơn hàng xuất khẩu của Đức Thành, mang lại hơn 90% doanh số đều bị dừng. “Tất cả ngưng hết. Ngay lập tức!” bà Liễu  nhắc lại tình cảnh khiến công ty không có đơn hàng, áp lực đè lên sản xuất. Bà Liễu tiết lộ, bà từng có ý nghĩ cắt giảm lao động như các công ty khác nhưng cuối cùng nghĩ ra một cách khác “nhân văn hơn” là viết một bức thư hiệu triệu nhân viên hiến kế cho công ty vượt qua giai đoạn khó khăn. “Tôi nói với họ rằng, bao nhiêu năm qua, tôi đã đi cùng họ. Đây là lần đầu tôi kêu gọi họ hợp tác với công ty cùng vượt qua tình thế khó khăn,” bà kể. Khối nhân viên văn phòng và công nhân Đức Thành tự nguyện tạm thời cắt giảm thời gian làm việc nhưng cam kết đảm bảo năng suất. Trong khi thị trường xuất khẩu gặp khó khăn, Đức Thành đẩy mạnh thị trường nội địa, vốn được họ phát triển từ năm 2007. “Chúng tôi chiều chuộng khách hàng tối đa. Khách nhỏ cũng quyết không bỏ!” bà Liễu kể.

Giữ chân người lao động, tìm đầu ra, chưa hết, bà Liễu còn thu gom nguyên liệu đầu vào, gửi nhờ tại các kho của nhà cung ứng. Lượng gỗ mua đủ dùng cho cả một năm. Hành động đi ngược lại với bối cảnh toàn ngành co hẹp sản xuất vấp phải nghi ngờ trong mùa đại hội cổ đông công ty năm 2009. Bà Liễu lý giải trước cổ đông: “Ngành này muốn làm đơn hàng lớn phải có nguồn gỗ trong tay. Hiện nay tất cả khách hàng đều không đặt hàng. Chuyện gì xảy ra nếu tất cả đều đặt hàng trở lại? Chúng ta có gỗ và nhân công sẵn. Tôi không tin mình phải trữ hàng quá lâu”. Thực tế, vài tháng sau đó, khách hàng đặt hàng trở lại, một phần do đặc thù sản phẩm Đức Thành là mặt hàng thiết yếu như đồ nhà bếp, đồ gia dụng. Kết quả kinh doanh cuối năm 2009, lợi nhuận công ty tăng trưởng hơn 64%, đạt gần 31 tỉ đồng do giá đầu vào thấp. Bà Liễu chia sẻ: “Quy luật kinh tế theo hình sin. Thị trường xuống sẽ lên lại. Còn tiên liệu cái đáy bao lâu là bản lĩnh của nhà lãnh đạo.”

54 tuổi, bà Liễu có thâm niên 17 năm ngồi ở vị trí điều hành gỗ Đức Thành từ năm 1996 đến 2012.  Theo lời tự kể, bà Liễu từng có ba năm trong quân ngũ. Thời gian đi bộ đội, bà tự học văn hóa, khi về thi đậu vào trường đại học Kinh tế TP.HCM. Tốt nghiệp đại học, bà là giảng viên trong sáu năm rồi sang Đức du học và được gọi trở về Việt Nam điều hành cơ sở chế biến gỗ của gia đình khi cha bà lâm bệnh. Bà Liễu chia sẻ: “Tôi trở về Việt Nam và sốc khi nhìn cảnh toàn đàn ông ở trần cưa xẻ gỗ dưới trời nắng, đầy bụi”. Những năm đầu thập niên 1990, lãi suất lên đến 12 - 15%/tháng, cơ sở gỗ nhà bà Liễu gánh một khoản nợ vay lớn. Người phụ nữ có dáng người nhỏ bé, dễ nhận dạng với tóc mái bằng cắt ngang chân mày trong nhiều năm nhớ lại: “Nhưng tôi đã lên lưng cọp. Bằng mọi cách cắm đầu làm trả nợ để không đẻ ra lãi nữa”. Bà Liễu từng bước gầy dựng uy tín với khách hàng nhằm lấy tiền cọc của họ trả trước các khoản vay. “Có lúc, khách hàng sa cơ, tôi vẫn làm ăn đàng hoàng dù ngành gỗ lúc ấy không quen cách làm ăn quốc tế là coi trọng chữ tín. Sau đó, khi tôi thỏ thẻ đề nghị, họ cho tôi ứng đến 90%. Tôi dần trả hết nợ chỉ trong một thời gian ngắn,” bà Liễu kể. 

Vị chủ tịch công ty gỗ Đức Thành kết hôn cùng ông Lê Như Ái, sáng lập công ty TNHH nước uống tinh khiết Sài Gòn – Sapuwa và có hai con. Năm 2005, trong một lần đi hội chợ đồ gỗ ở nước ngoài, bà Liễu sang gian hàng kế bên mua đồ chơi bằng gỗ cho con nhưng bị từ chối bán do ngại mất mẫu mã. Thấy khó khăn, bà Liễu bày kế kêu nhân viên làm danh thiếp, giả vờ làm người mua hàng sang hỏi han. Từ ý nghĩ muốn có đồ chơi chất lượng cao cho con, bà Liễu nghĩ đến việc tự sản xuất. Năm 2007, Đức Thành mua lại một công ty chuyên sản xuất đồ chơi bằng gỗ trong nước, lấn sân từ sản xuất hàng gia dụng sang đồ chơi cho trẻ em Winwintoys. Năm 2009, họ là đơn vị sản xuất đồ chơi trẻ em đầu tiên Việt Nam được cấp giấy chứng nhận hợp quy (CR). Mảng đồ chơi trẻ em tăng trưởng rất nhanh có lúc đóng góp đến 15% tổng doanh thu công ty năm 2014. Năm ngoái, tỉ lệ này sụt giảm do các công ty sữa chuyển từ đồ gỗ sang đồ chơi có chất liệu khác như nhựa và nghị định 100/2014/NĐ-CP quy định các doanh nghiệp sản xuất sữa cho trẻ em dưới hai tuổi không được phép kèm hàng khuyến mại khiến doanh thu mảng này giảm sút. 

Kết quả kinh doanh doanh thu và lợi nhuận sau thuế trung bình 30% hằng năm giúp Đức Thành huy động 1,35 triệu đô la Mỹ từ quỹ đầu tư vốn cổ phần tư nhân đầu tiên của Mekong Capital vào năm 2005. Bà Liễu kể lại, ban đầu, Mekong Capital chỉ muốn đầu tư 1 - 1,1 triệu đô la Mỹ, nhưng họ chấp nhận đề nghị của bà Liễu nếu bà cam kết đưa Đức Thành đạt tăng trưởng 50 - 60% mỗi năm: “Lúc đó, Chris Freund (đồng sáng lập quỹ) nói họ đầu tư vào Đức Thành vì Đức Thành có bà Liễu. Vì tin mà họ chấp nhận bỏ một số tiền nhiều hơn ý định. Tôi không thể phụ lòng tin đó,” bà Liễu kể. Kết quả vượt khỏi mong đợi. Hai năm tiếp theo, họ tăng trưởng doanh thu 100%. Mekong Capital rót thêm 400 ngàn đô la Mỹ trong năm 2006 và quỹ Đan Mạch BankInvest cũng tìm đến đổ thêm vào hai triệu đô la Mỹ vào năm 2007. Năm 2009, Mekong Capital thoái vốn, tổng công ty Cao su Việt Nam nhảy vào cuộc mua lại 30% cổ phần trong nỗ lực họ gia tăng giá trị sử dụng các thành phần của cây cao su ngoài mủ. 
untitled

Ông Lê Hồng Thắng, người nhận vị trí tổng giám đốc Đức Thành thay bà Liễu từ năm 2012 cho hay, Đức Thành là một trong những đơn vị đầu tiên tại Việt Nam tìm được cách loại bỏ một tạp chất trong gỗ cao su khiến gỗ tỏa ra rất nhiều khói gây cản ngại khi nung sấy. Nhờ đó họ sử dụng được loại gỗ từng được xem là phế phẩm để chế biến trong khi các công ty khác dùng gỗ tự nhiên phải nhập khẩu đầu vào hơn 60%. Ông Lê Ba, sáng lập và là một trong ba người tìm được cách thức xử lý này, được công ty tạc một bức tượng cùng hình ảnh chiếc chìa khóa mở cánh cửa kinh doanh đặt trên lối vào văn phòng công ty. Ngoài ra, gỗ cao su nhẹ, có màu sắc trắng sáng tự nhiên, thích hợp cho các sản phẩm trong nhà. Từ khối gỗ lớn, Đức Thành sản xuất đồ gia dụng như bàn ghế. Phần gỗ thải ra họ chế biến thớt. Miếng gỗ nhỏ hơn lại tiếp tục làm đế đèn cầy, đồ chơi trẻ em… Năm 2012, ông Thắng tái cấu trúc khâu sản xuất, tăng tỉ lệ thành khí, tức mức sử dụng gỗ trong chế biến tại Đức Thành lên gần 50%  so với mức 45% phổ biến trên thị trường (ví dụ: 2,05 mét khối gỗ thô chế biến thành 1 mét khối gỗ tinh). “Có những công ty gỗ bán phế phẩm, người mua về có thể làm thêm sản phẩm khác. Còn phế phẩm của Đức Thành người ta bảo mua về chỉ để làm nan quạt hoặc đốt lên thành củi,” ông Thắng ví von.Năm 2015, doanh thu và lợi nhuận sau thuế Đức Thành đạt 295 tỉ và 61 tỉ đồng, tăng trưởng lần lượt 11% và 19%. Các hiệp định FTA và TPP vừa được ký mở ra cơ hội tăng trưởng cho xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam, hiện chỉ chiếm dưới 3% tổng nhu cầu tiêu thụ đồ gỗ thế giới. Mặc dù thị trường trong nước được cho là có thể gặp rủi ro do cạnh tranh từ hàng giá rẻ Trung Quốc, Đức Thành có vẻ vẫn lạc quan với doanh thu và lợi nhuận dự kiến trong năm nay tiếp tục tăng trưởng 13% và 21% (chưa gồm lợi nhuận bất thường từ bán bất động sản). Làm ăn hiệu quả, cổ tức cao khiến cổ phiếu công ty này hấp dẫn với giới đầu tư. Giá cổ phiếu GDT hiện thuộc loại cao trong các công ty niêm yết cùng ngành. Vấn đề lớn với cổ phiếu của họ: yếu tố thanh khoản. Có ngày, khối lượng giao dịch chỉ vài chục cổ phiếu. Các thành viên trong gia đình bà Lê Hải Liễu hiện đang nắm hơn 50% cổ phần công ty. 

Nguồn tạp chí FORBES Việt Nam

TAG:

Ý kiến bạn đọc