banner  

Gỗ Đức Thành lội ngược dòng

Thứ bảy, 30/01/2016

Là công ty cổ phần, đã được niêm yết trên sàn chứng khoán (năm 2009) nhưng dễ dàng nhận thấy, Đức Thành vẫn là công ty gia đình theo kiểu cha truyền con nối. Chỉ sau 2 năm thành lập, bà Lê Hải Liễu đã thay cha tiếp quản cơ ngơi gia đình. Sau gần 20 năm ngồi ghế “thuyền trưởng”, bà Liễu quyết định lui về hậu trường, trao lại vai trò lèo lái công ty cho người em ruột là ông Lê Hồng Thắng - Tổng giám đốc gỗ Đức Thành hiện nay.

Nếu như việc bà Liễu kế nghiệp cha khá bị động trong tình huống bất khả kháng do cha lâm bệnh nặng thì ông Thắng lại kế nghiệp chị trong tâm thế chủ động vì đã được chuẩn bị chu đáo từ trước. Ngay từ năm 1999, khi vừa tốt nghiệp Đại học, Ông Thắng đã được cha đưa vào làm việc tại công ty. Trong hơn 10 năm làm việc tại công ty của gia đình trước khi lên nắm quyền điều hành, Ông Thắng đã được cha và chị âm thầm tập luyện dần dần khi điều ông kinh qua nhiều bộ phận trong doanh nghiệp.

Điều hành công ty gia đình là lợi thế nhưng cũng là áp lực lớn đối với người kế nhiệm khi phải vượt qua cái bóng của người đi trước, đặc biệt là khi người tiền nhiệm quá xuất sắc. Trong giới kinh doanh, bà Liễu nổi tiếng là “người đàn bà thép” với những quyết định táo bạo, thậm chí liều lĩnh. Chính tài lãnh đạo của bà Liễu đã đưa Đức Thành gặt hái được những kết quả kinh doanh ngoài mong đợi.

Kế nhiệm trong lúc tình hình kinh doanh của doanh nghiệp đang ổn định là thuận lợi nhưng cũng là áp lực của ông Thắng. Chính vì vậy, trong một lần chia sẻ với báo chí năm 2012, ông Thắng thẳng thắn thừa nhận, duy trì được kết quả kinh doanh ổn định như người tiền nhiệm đã làm thực sự là một áp lực lớn với ông.

Ước tính năm 2015, doanh thu công ty đạt 291 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế 2015 ước đạt 78 tỷ, vượt 6% so với kế hoạch, tăng 16% so với cùng kỳ. Tính riêng quý 4/2015, ước tính doanh thu đạt 80 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ, lợi nhuận trước thuế trong quý đạt 23 tỷ, tăng 41% so với cùng kỳ. Quan sát tình hình kinh doanh của Gỗ Đức Thành qua nhiều năm sẽ thấy, cả doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp này luôn giữ được đà tăng ổn định. Điều này phần nào phản ánh triết lý kinh doanh đi bước nào chắc bước đó qua nhiều đời lãnh đạo của doanh nghiệp. “Việc giữ doanh thu và lợi nhuận tăng tỷ lệ thuận với nhau sẽ đảm bảo tính an toàn cho doanh nghiệp”, ông Thắng chia sẻ.

Có được kết quả này, bên cạnh chiến lược sản phẩm đúng đắn, việc khai thác đúng thị trường tiềm năng cũng hết sức quan trọng. Trong khi hiện nay, đa phần các doanh nghiệp sản xuất gỗ thường tập trung vào những sản phẩm có giá trị lớn, yêu cầu đầu tư lớn như các mặt hàng trang trí nội thất gỗ cao cấp, các sản phẩm tủ, giường, bàn ghế… thì Đức Thành lại khai thác thị trường ngách xoay quanh những mặt hàng đồ gia dụng, đồ chơi trẻ em, vật dụng nhà bếp… với nguồn nguyên liệu chủ yếu là gỗ cao su khá dồi dào và ổn định.

Trong cơ cấu sản phẩm của Đức Thành hiện nay, đồ dùng nhà bếp đang chiếm 65% tổng khối lượng. Mặc dù sản phẩm đồ chơi trẻ em bằng gỗ chỉ chiếm 15% tổng khối lượng nhưng đây lại là mặt hàng có mức tăng trưởng tốt, bởi ngoài việc làm từ gỗ nguyên thì doanh nghiệp còn tận dụng được nguồn gỗ trong quá trình sản xuất các sản phẩm lớn khác.

Tiếp nối định hướng xem thị trường nội địa là hậu phương vững chắc, từ khi nắm quyền điều hành, ông Thắng tiếp tục đẩy mạnh xây dựng hệ thống các cửa hàng giới thiệu và bán lẻ sản phẩm trên toàn quốc. Hiện nay, doanh nghiệp này có hơn 1.300 cửa hàng phân phối sản phẩm. Trong đó cửa hàng đồ chơi vẫn chiếm số lượng lớn nhất với khoảng 750 cửa hàng, còn lại là các cửa hàng phân phối sản phẩm gia dụng, nhà bếp.

Mặc dù chủ trương đẩy mạnh thị trường trong nước, song tỷ trọng giữa xuất khẩu và nội địa vẫn còn chênh lệch khá lớn ở mức 79% và 21%. Xuất khẩu vẫn là thị trường chủ đạo, đóng góp tới 80% doanh thu cho doanh nghiệp. Trong đó, thị trường châu Á đang chiếm tới 76% tỷ trọng hàng xuất khẩu, thị trường châu Âu chiếm khoảng 19%.

Quay về châu Á có lẽ là chiến công đáng ghi nhận nhất của ông Thắng từ khi lên nắm quyền điều hành. Những năm trước 2012, châu Âu mới là thị trường xuất khẩu chủ đạo của Gỗ Đức Thành. Khủng hoảng kinh tế xảy ra, thị trường châu Âu chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề khi người dân thắt chặt chi tiêu, thị trường xuất khẩu của Đức Thành cũng bị co hẹp dần. Gỗ Đức Thành quyết định quay về thâm nhập sâu hơn và khai phá những thị trường mới, ngách và nhỏ ở châu Á, vốn ít chịu ảnh hưởng khủng hoảng như Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Các tiểu vương quốc A Rập thống nhất (UAE), Singapore...

Không ồn ào hô khẩu hiệu, người kế nhiệm Gỗ Đức Thành một mặt âm thầm khai phá những thị trường mới mà trước đây Đức Thành chưa từng hướng tới như Lào, Campuchia... Mặt khác, ông Thắng tìm mọi cách để cắt giảm bớt chi phí, tận dụng gỗ thừa từ việc sản xuất sản phẩm lớn để tạo ra những sản phẩm mới. “Siêng nhặt chặt bị” đã góp phần nâng mức doanh thu và lợi nhuận của toàn doanh nghiệp tăng lên đáng kể.

Trước làn sóng hội nhập ngày càng sâu rộng, ông Thắng cho rằng, cuộc cạnh tranh với hàng nước ngoài thâm nhập thị trường nội địa sẽ ngày càng trở nên khốc liệt hơn. Chính vì vậy, trong năm 2016, chiến lược của Đức Thành là một mặt sẽ tiếp tục khai thác thêm các thị trường xuất khẩu mới như Nga, Colombia, Trung Đông… mặt khác tập trung đẩy mạnh thương hiệu và hệ thống phân phối tại thị trường nội địa, nhằm chuẩn bị nguồn lực để đối đầu với làn sóng các công ty, nhà phân phối từ các thị trường lớn xâm nhập thị trường Việt Nam khi chúng ta bắt đầu tham gia sâu vào các hiệp định thương mại với Asean, TPP, EU… Mục tiêu của ông Thắng là tăng thêm số điểm bán hàng cũng như tăng trưởng về doanh thu từ thị trường nội địa khoảng 30% và tăng dần tỉ trọng trong cơ cấu doanh thu của toàn công ty. Trong bối cảnh tình hình chính trị thế giới đang có nhiều bất ổn, Gỗ Đức Thành đặt chỉ tiêu tăng trưởng khoảng 10% về doanh thu và lợi nhuận trong 2016.

Song song với hoạt động sản xuất kinh doanh, Đức Thành cũng tham gia nhiều hoạt động xã hội và có lẽ xuất phát từ việc phục vụ đối tượng trẻ em nhiều nên cũng được doanh nghiệp này quan tâm nhất. Điểm nhấn là tiếp nối tâm nguyện từ người chị và tập thể lãnh đạo trong việc chăm sóc trẻ. Sau việc tài trợ khoa ung bướu - huyết học tại bệnh viện Nhi đồng 2, cuối năm 2013 Đức Thành cũng tham gia tài trợ cho bệnh viện tim thành phố trang thiết bị trị giá 2 tỷ đồng để thành lập khu mổ tim cho trẻ em.

Để chinh phục được những mục tiêu kinh doanh mới, “bí quyết” của ông Thắng chính là chinh phục được trái tim của đội ngũ người lao động trong công ty bằng chữ “tâm” trong điều hành. “Tôi chỉ cho nhân viên thấy rằng, những nỗ lực cố gắng của họ không chỉ cho công ty mà còn cho chính bản thân họ. Để khuyến khích thêm tinh thần làm việc cũng như giúp đội ngũ nhân viên ngày càng gắn bó hơn với công ty, trong năm 2015, Công ty gỗ Đức Thành còn phát hành cổ phiếu ESOP cho toàn thể CB-CNV của công ty với số lượng tương đương 518.618 cổ phiếu. Khi ta khuyến khích được tinh thần tự giác trong đội ngũ nhân viên, hiệu quả công việc sẽ cao hơn”, ông Thắng chia sẻ.

Theo Nhịp cầu đầu tư

TAG:

Ý kiến bạn đọc