banner  

Những điều chưa biết về thớt

Thứ bảy, 18/12/2010

PN - Thớt là một dụng cụ nhà bếp quen thuộc và không thể thiếu với tất cả các bà nội trợ. Thế nhưng, sẽ có nhiều người giật mình khi nhận ra rằng, mình đã không hề lưu tâm đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) khi sử dụng thớt không đúng cách.

ThS-BS Đào Thị Yến Phi, quyền Chủ nhiệm Bộ môn Dinh dưỡng - An toàn thực phẩm - Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM đã có cuộc trao đổi với phóng viên xung quanh vấn đề này.

* Thưa BS, sử dụng thớt không đúng cách khi chế biến thực phẩm có thể dẫn đến những nguy cơ nào?
- Nguy cơ lớn nhất là lây nhiễm chéo. Thớt được sử dụng trong hầu hết các công đoạn của quá trình chế biến thực phẩm, từ lúc thực phẩm còn sống cho đến lúc đã được nấu chín. Trong thực phẩm sống có rất nhiều vi sinh vật như vi trùng, siêu vi, trứng giun sán... Chưa kể các tác nhân khác như thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu, nấm mốc... Khi dùng thớt để chế biến thức ăn sống, các yếu tố nguy hại này có thể tồn tại trên thớt rất lâu, ngay cả khi thớt được cạo rửa có vẻ rất kỹ, và lây nhiễm vào thức ăn chín, trở thành nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm, nhiễm trùng tiêu hóa... có thể dẫn đến tử vong.

* Nhưng nhiều người cho rằng thực phẩm sống nếu được nấu chín, thì vi trùng cũng sẽ chết.
- Thực ra, nguy cơ từ thực phẩm không phải chỉ do vi trùng hay các vi sinh vật nói chung, mà còn do rất nhiều nguyên nhân khác như nấm mốc, hóa chất, độc tố... Ngay cả đối với vi trùng, thì số lượng vi trùng cũng liên quan đến sức khỏe một cách mật thiết. Vì thế, không phải thực phẩm nào nấu chín thì vi trùng cũng sẽ chết, bởi có nhiều loại vi trùng chịu được nhiệt độ cao. Cách phòng ngừa và đảm bảo an toàn vẫn là phải chọn thớt tốt và phải giữ gìn thớt đúng cách, ngay cả khi thớt đó chỉ dùng cho thực phẩm sống.

* Liệu việc sử dụng thớt với những chất liệu khác nhau có làm thay đổi các nguy cơ này không, thưa BS?
- Thớt thường được làm từ hai loại nguyên liệu chính là gỗ và nhựa (plastic). Yêu cầu của một cái thớt tốt là phải chắc chắn, đủ dày, càng ít để lại vết dao sau khi chặt, thái càng tốt. Những khe nứt, những vết lõm, vết cắt đan chéo nhau (do xài quá lâu)... trên bề mặt thớt, có thể là nơi ẩn náu tốt của vi sinh vật. Các mảnh vụn của thực phẩm có thể bám lại trong các kẽ hở này và trở thành môi trường tốt cho vi khuẩn sinh sôi nảy nở. Nguy cơ của việc sử dụng thớt sai thật ra không nằm ở chuyện thớt làm bằng nguyên liệu gì, mà chủ yếu là vì thói quen dùng chung một thớt cho cả thực phẩm sống lẫn thực phẩm chín, hoặc do làm vệ sinh thớt không đúng cách sau khi sử dụng, cũng có khi là do xài một cái thớt quá lâu. Mặt khác, khi mua thớt, nên chọn các sản phẩm uy tín, có nguồn gốc rõ ràng, và đặc biệt là đáp ứng các tiêu chuẩn về ATVSTP đã được kiểm định, có giấy chứng nhận an toàn.

Sử dụng chung thớt cho thực phẩm sống và chín sẽ có nguy cơ lây nhiễm chéo

* Như vậy, cần phải chú ý những điều gì khi sử dụng thớt tại bếp ăn gia đình?
- Tối thiểu phải có hai cái thớt trong bếp ăn gia đình, một thớt dùng cho thức ăn sống và một thớt dùng cho thức ăn chín. Nếu có điều kiện, thì nên có thêm cái thớt thứ ba, dùng để cắt trái cây, như thế sẽ tránh bay mùi, vì nếu mới xắt hành mà dùng thớt đó để cắt cam hoặc cắt dưa hấu thì... Phải treo riêng rẽ hoặc có ghi chú để không lẫn lộn các thớt với nhau. Sau khi sử dụng, thớt cần được rửa với nước rửa chén và bàn chải để làm sạch phần thức ăn thừa bám trên mặt thớt, và phải dựng hoặc treo lên cho thật khô. Khi mặt thớt đã bị nhiều dấu chặt, nứt nẻ, hoặc chuyển màu đen, bị nấm mốc, mối mọt... nên thay thớt mới. Thường khoảng sáu đến tám tháng nên thay thớt một lần. Với thớt dùng cho thức ăn chín, tốt nhất nên được tráng qua nước sôi trước khi thái, chặt thức ăn.

* Tôi có dùng một cái thớt nhựa nhưng hình như hiện nay không có các quy định về ATVSTP với thớt nhựa?

- Về nguyên tắc, luôn luôn phải có những tiêu chuẩn về chất liệu được sử dụng để chế tạo những vật dụng gia đình có tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm. Các loại thớt nhựa cũng nằm trong nhóm sản phẩm này. Nhưng quá trình sử dụng hoặc bảo quản không đúng cách cũng có thể làm thay đổi tính chất của sản phẩm và dẫn đến những nguy cơ cho sức khỏe. Ngoài ra, điều này còn liên quan đến lương tâm của nhà sản xuất. Nếu sử dụng một loại nhựa không được phép dùng cho thực phẩm hoặc chứa các thành phần keo dính, chất kết nối, chất bảo vệ bề mặt... ngoài danh mục cho phép, chắc chắn sẽ dẫn đến các nguy cơ về sức khỏe. Vì vậy, hãy kiểm tra những điều này trên nhãn mác của sản phẩm trước khi chọn mua.

* Xin cảm ơn BS.

Ngọc Thủy
Theo PNO

Ý kiến bạn đọc