Mặc dù xuất khẩu gỗ vẫn đạt giá trị kim ngạch đáng khích lệ, nhưng đang có dấu hiệu chậm lại, cần "xốc" lại đà tăng trưởng.
Cần lấy lại đà tăng trưởng khi xuất khẩu gỗ đang có dấu hiệu chậm lại do ảnh hưởng của lạm phát trên toàn cầu. Ảnh: Vũ Long
Cảnh giác trước dấu hiệu "giảm tốc" của xuất khẩu gỗ
Sáng 14.7, tại hội nghị sơ kết công tác chỉ đạo, điều hành 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – NNPTNT), cho biết: Giá trị xuất khẩu lâm sản 6 tháng đầu năm 2022 đạt 9,1 tỉ USD, tăng 3% so với cùng kỳ, đạt 56% kế hoạch. Xuất siêu ước đạt hơn 7,5 tỉ USD, tăng 3% so với cùng kỳ 2021.
Các thị trường xuất khẩu gỗ và lâm sản chính gồm: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc chiếm trên 90% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản.
Tuy nhiên, mới đây, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), đã đưa ra thông điệp: Xuất khẩu gỗ đang có dấu hiệu chững lại do tác động của lạm phát trên toàn cầu.
Ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.Hồ Chí Minh (HAWA) cho biết, thị trường Hoa Kỳ chiếm tới 60% trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam. Đồ gỗ xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ chủ yếu là các sản phẩm giá rẻ, nhưng lạm phát tăng quá cao ở Hoa Kỳ đang ảnh hưởng lớn tới những người có thu nhập trung bình và thấp, việc thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng ở phân khúc sản phẩm giá rẻ đang tác động không nhỏ tới xuất khẩu gỗ của Việt Nam. Các doanh nghiệp ngành gỗ bắt đầu có dấu hiệu thiếu đơn hàng.
Không chỉ thị trường Hoa Kỳ, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang một số thị trường lớn khác như Châu Âu (EU), Hàn Quốc… cũng bắt đầu có dấu hiệu chậm lại bởi những khó khăn do tác động của lạm phát trên toàn cầu. Trong đó, đồ nội thất bằng gỗ là mặt hàng xuất khẩu chủ lực trong cơ cấu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ đang giảm do nhu cầu tiêu thụ trên thị trường toàn cầu đang có xu hướng chững lại.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, ước tính trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 6.2022 đạt 1,5 tỉ USD, giảm 4,9% so với tháng 6.2021. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ trong tháng 6.2022 ước tính đạt 1,03 tỉ USD, giảm 18,1% so với tháng 6.2021.
Mặc dù tính chung, 6 tháng đầu năm 2022, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 8,5 tỉ USD, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2021. Nhưng riêng xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 6,14 tỉ USD, giảm 4,6% so với cùng kỳ năm 2021.
VIFOREST cũng cho hay, xung đột Nga – Ukraina đang tiếp tục diễn ra và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Nga là quốc gia có nguồn tài nguyên rừng rất lớn với diện tích rừng 815 triệu hecta và lượng gỗ khai thác hàng năm lên tới trên 200 triệu mét khối (m3), tương đương 10% tổng lượng cung gỗ toàn cầu, mỗi năm Nga cung ra thị trường thế giới trên 40 triệu m3 gỗ.
Mặc dù Nga không phải là thị trường lớn của Việt Nam cả về nguồn cung gỗ nguyên liệu và về thị trường tiêu thụ đồ gỗ, nhưng xung đột Nga – Ukraina đang ảnh hưởng tới bức tranh cung – cầu thế giới về gỗ nguyên liệu và các mặt hàng gỗ. Ngành gỗ Việt Nam hội nhập sâu rộng với thị trường thế giới, do đó, tác động của cuộc chiến tới nguồn cung gỗ nguyên liệu là điều không thể tránh khỏi.
Giữ vững thị trường Trung Quốc
Trung Quốc là một trong 5 thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam và trong những năm gần đây, luôn đứng ở vị trí thứ 2 hoặc thứ 3 xét về mặt kim ngạch. Xuất khẩu gỗ của Việt Nam sang Trung Quốc chiếm 10-12% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam.
Theo TS Tô Xuân Phúc – chuyên gia phân tích của Tổ chức Forest Trends, tổng vốn đầu tư của Trung Quốc vào ngành gỗ Việt Nam hàng năm tương đối cao, chiếm 17% - 35% tổng vốn đầu tư từ các nguồn trong ngành. Bên cạnh đó, các công ty Trung Quốc đã và đang đầu tư đáng kể vào ngành công nghiệp gỗ của Việt Nam. Do đó, Trung Quốc luôn là thị trường chiến lược của Việt Nam.
Ông Cao Chí Công – Phó Chủ tịch VIFOREST cũng khẳng định: Để giữ vững thị trường Trung Quốc và các thị trường lớn khác, doanh nghiệp hướng tới sản xuất, kinh doanh bền vững, hiệu quả, theo đúng quy định pháp luật của nhà nước, đúng thông lệ quốc tế. Đây là một trong những yêu cầu mà Chính phủ Việt Nam yêu cầu các doanh nghiệp phải chấp hành để giữ vững và tăng thị phần đồ gỗ xuất khẩu trên thị trường quốc tế.
VŨ LONG
Nguồn: laodong.vn 14/07/2022
TAG: Xuất khẩu gỗ