banner  

Doanh nghiệp ngành gỗ quý I/2024: Khởi đầu thuận lợi nhờ xuất khẩu khởi sắc

Thứ năm, 16/05/2024

Quý I/2024, doanh nghiệp ngành gỗ ghi nhận lợi nhuận tăng trường trước bối cảnh nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc,... phục hồi.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 3 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước tính đạt 3,4 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước tính đạt 2,3 tỷ USD, tăng 22,9% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), sự khởi đầu thuận lợi trong những tháng đầu năm với việc các đơn hàng gia tăng, các doanh nghiệp ngành gỗ tăng tốc sản xuất để kịp tiến độ xuất khẩu đã mở ra tín hiệu tích cực và mang tới kỳ vọng cho ngành gỗ của Việt Nam trong năm 2024. 

Trong đó, nhu cầu tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Canada, Anh và các thị trường trong khối EU… đang có sự phục hồi đã đem lại sự lạc quan cho ngành gỗ xuất khẩu của Việt Nam.

Báo lãi nhờ ngân hàng xóa nợ

Đứng trước sự phục hồi chung của toàn ngành, Công ty Cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (HoSE: TTF) ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực, giúp công ty có lãi ngay trong quý I/2024 sau năm 2023 thua lỗ.

Theo đó, doanh thu thuần của công ty giảm nhẹ, đạt 323 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, trong khi chi phí bán hàng ghi nhận phát sinh 11% lên 37 tỷ đồng thì chi phí quản lý doanh nghiệp được tiết giảm 14% xuống còn 25 tỷ đồng. Đáng chú ý, chi phí tài chính của công ty được hoàn nhập 24 tỷ đồng nhờ được ngân hàng xóa nợ. 

Nhờ vậy mà sau khi trừ các chi phí, quý đầu năm 2024, công ty báo lãi sau thuế 11,6 tỷ đồng, cao gấp 6,3 lần cùng kỳ. Dù có lãi nhưng công ty vẫn còn ghi nhận lỗ lũy kế 3.226 tỷ đồng tại ngày 31/3/2024, do kinh doanh kém tích cực trong giai đoạn trước đây. 

Năm 2024, Gỗ Trường Thành đặt mục tiêu doanh thu 2.012 tỷ đồng và  lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt 57 tỷ đồng. Với kết quả trên, công ty đã thực hiện 16% chỉ tiêu doanh thu và khoảng 7% kế hoạch lợi nhuận.

Giải trình biến động kết quả sản xuất kinh doanh, Gỗ Trường Thành cho biết, nguyên nhân là do công ty được Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) - chi nhánh Buôn Ma Thuột thông báo xóa nợ đối với các khoản lãi phát sinh liên quan đến lãi chậm nộp chưa thanh toán, do đó được hoàn nhập chi phí tài chính. 

Cùng chiều tăng trưởng Công ty Cổ phần Chế biến Gỗ Đức Thành (HoSE: GDT) cũng ghi nhận doanh thu và lợi nhuận đồng loạt “phi mã”.

Theo đó, doanh thu thuần trong quý đạt 69 tỷ đồng, tăng 8% so với quý I/2023. Bất chấp giá vốn bán hàng tăng nhưng lợi nhuận gộp cũng đạt 21,8 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ. Sau khi trừ các chi phí, Gỗ Đức Thành báo lãi 9,5 tỷ đồng trong quý I/2024, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo lý giải của công ty, nguyên nhân giúp doanh thu biến động so với cùng kỳ là do tiêu dùng ở Mỹ và châu Âu đang có tín hiệu phục hồi. Lượng tồn kho của khách sau thời gian dài không đặt hàng không còn nhiều.

Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp tăng là do công ty không giảm giá bán hàng nữa. Bên cạnh đó, công ty cũng thực hiện dồn 2 nhà máy lại thành một nên ngoài việc tiết kiệm các chi phí quản lý, nhân sự, vận chuyển… thì công ty còn có thêm lợi nhuận từ việc cho thuê nhà xưởng đã dời đi.

Kinh doanh tăng trưởng nhờ kiểm soát chi phí 

Tại Công ty Cổ phần Gỗ An Cường (HoSE: ACG), doanh nghiệp ngành gỗ này ghi nhận tình hình kinh doanh quý I/2024 với nhiều chỉ số tăng trưởng. Theo đó, doanh thu thuần trong kỳ của công ty đạt 695 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ. Doanh thu tăng, cùng với tiết giảm giá vốn hàng bán nên lợi nhuận gộp của Gỗ An Cường tăng 12% lên 214 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, ngoài chi phí quản lý doanh nghiệp tăng nhẹ, các khoản chi phí trong kỳ của công ty đều tiết giảm so với quý I/2023. Cụ thể, chi phí tài chính đạt 9,8 tỷ đồng, chi phí bán hàng đạt 111 tỷ đồng, giảm lần lượt 40% và 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau khi trừ các chi phí, Gỗ An Cường báo lãi 81 tỷ đồng, tăng 2,25 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Năm 2024, Gỗ An Cường đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 3.785 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 440 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc quý đầu năm, công ty đã thực hành được 18% chỉ tiêu doanh thu và 18% mục tiêu lợi nhuận đã đề ra.

Tương tự, Công ty cổ phần Hợp tác Kinh tế và Xuất nhập khẩu Savimex (HoSE: SAV) với doanh thu thuần đạt 216 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu từ xuất khẩu đạt hơn 202 tỷ đồng, chiếm 94% tổng doanh thu của công ty.

Sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận sau thuế của Savimex đạt hơn 7,6 tỷ đồng, tăng trưởng 25% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giải trình về lợi nhuận sau thuế tăng mạnh, Savimex cho biết, trong kỳ doanh thu tăng 18% nhưng giá vốn chỉ tăng 17% so với cùng kỳ dẫn đến lợi nhuận gộp tăng 21%. 

Ngoài ra, trong quý I/2024, công ty đang thực hiện tốt các hoạt động để kiểm soát chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp. Đây là nguyên nhân chính giúp công ty có lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế đều ghi nhận tăng trưởng 25% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguyễn Phương Anh

Nguồn Người đưa tin 14/05/2024

Ý kiến bạn đọc