banner  

Lê Hải Liễu, TGĐ Công ty Gỗ Đức Thành - cân bằng cuộc sống bằng triết lý tam giác đều

Thứ năm, 31/03/2011

Nam tính, quyết đoán nhưng cũng rất phụ nữ; sang trọng, lịch thiệp nhưng cũng rất bình dị, Lê Hải Liễu “là một trong những doanh nhân Việt Nam đang đưa đất nước này đến một tương lai tươi sáng hơn, thịnh vượng hơn.” (trích lời phát biểu của ông Norman Y.Mineta - Bộ trưởng bộ thương mại Hoa Kỳ trong chuyến viếng thăm Việt Nam cùng tổng thống Mỹ Bill Clinton năm 2000). Đúng với lời nhận xét đó, chị đã và đang làm những điều đáng tự hào cho phụ nữ Việt Nam.

 

Tôi là người mạo hiểm

Bà Lê Hải Liễu - Chủ tịch HĐQT công ty Gỗ Đức Thành

Tốt nghiệp đại học với tấm bằng xuất sắc, được giữ lại trường Đại học Kinh tế giảng dạy khoa Thống kê - Toán, đùng một cái lại quyết định đi du học tự túc tại CHLB Đức, rồi về nước bỏ nghề ra tiếp quản cơ sở sản xuất gỗ của ba chị là ông Lê Ba. Lúc ấy, chị kinh doanh là vì trách nhiệm hay vì đam mê?

Thú thật, tôi là người có máu liều, dám nghĩ dám làm và đã làm gì thì làm cho bằng được. Kinh doanh cũng là sở trường của tôi nhưng lúc ấy tôi không hề nghĩ mình thích hợp với “ngành nghề gỗ”. Tiếp quản công ty lúc đó chỉ là một cơ sở nhỏ với số lượng nhân công trên dưới 100 người, khi chưa đầy 31 tuổi. Thú thật, tôi đã phải phát hoảng khi vừa từ nước ngoài trở về lại phải tiếp xúc với nợ nần, với khói, bụi gỗ và cả cảnh anh em công nhân ở trần làm việc. Cha bị bệnh đột ngột nên tôi phải đứng ra gánh vác... trong đầu tôi lúc này chỉ quẩn quanh ý nghĩ “làm cho xong nợ”, tức vừa trả cho xong nợ của công ty, vừa trả hiếu cho cha...

Thế điều gì đã khiến chị “suy nghĩ lại”?

“Môi trường gỗ” nặng nhọc và đầy bụi bặm khiến tôi e ngại, nhưng khi thực sự bắt tay vào làm mới thấy, đây quả là một ngành thú vị và nếu biết cách làm sẽ sinh lợi nhuận rất tốt. Bên cạnh đó, nguyên liệu gỗ mà Đức Thành sử dụng chủ yếu là từ gỗ cao su chứ không phải gỗ rừng, điều này vừa có ý nghĩa cao quý cho xã hội, vừa có lợi cho việc bảo vệ môi trường. Sự lý tưởng và hoài bão của bản thân đã thôi thúc tôi đeo đuổi sự nghiệp gỗ đến ngày nay.

Điều gì đã khiến Ba “chọn mặt gửi vàng” vào chị chứ không phải là những người khác trong gia đình?

Cái này thì phải hỏi Ba tôi thôi (cười) nhưng có lẽ là do tôi năng động và không ngại khó. Từ nhỏ, tôi đã rất lanh lợi, hiếu động và được Ba cho giả làm con trai. Đó cũng là lý do mà khi mới 16 tuổi, mới học xong lớp 10, tôi đã xung phong đi bộ đội. Sau khi rời quân ngũ, tôi cũng tốt nghiệp phổ thông hệ bổ túc và thi đậu luôn vào trường Đại học Kinh tế. Có lẽ do có ý chí nên khi tôi thích, tôi quyết tâm là tôi sẽ làm và làm được.

Ba năm sau khi chị tiếp quản công ty, giữa năm 1997, khủng hoảng tài chính khu vực châu Á xảy ra, chị đã làm gì để trụ vững?

Bước đầu tiếp nhận “cơ ngơi” của gia đình, đối với tôi thực sự là một chuỗi khó khăn. Là phụ nữ, tuổi lại còn quá trẻ, tôi dễ bị đối tác xem thường. Tôi đã phải nỗ lực để vượt qua sự xem thường đó bằng cách học hỏi và bằng chữ tín. Không phải đợi đến năm 1997 mà trước đó, năm 1994, khi nhà nước chỉ cho phép xuất khẩu sản phẩm hoàn chỉnh trong khi Đức Thành chỉ làm bán thành phẩm... cũng khiến chúng tôi lao đao, vì đầu tư cho dây chuyền sản xuất hoàn chỉnh cần số tiền rất lớn. Tôi quyết định chọn phương án tự đầu tư, gầy dựng dần dần và kinh doanh trên nền vốn của đối tác. Nhờ có uy tín mua bán trong giao dịch, khách hàng đã ứng tiền cho công ty, có khách hàng cho ứng đến 90%, còn các nhà cung ứng nguyên liệu thì cho trả góp và Đức Thành đã từ từ đi lên. Đến năm 1997, khủng hoảng tài chính khu vực châu Á xảy ra, sức mua của khách hàng cũ giảm sút đột ngột, công ty buộc phải xoay sang thị trường nội địa, mở rộng sang thị trường khác và xoay sở nhiều cách để đứng vững. Và sau khủng hoảng, chúng tôi đã bứt phá để đi lên, vì có rất nhiều doanh nghiệp đã không trụ lại được.

Thành công của Đức Thành ngày hôm nay, theo chị, có yếu tố may mắn nào không?

Cũng có thể tôi gặp may nhưng cơ may đâu thể đến liên tiếp mãi như vậy, đúng không (?). Tôi nghĩ mình thành công một phần vì tôi khá mạo hiểm nhưng lại biết phán đoán. Chẳng hạn như trong năm 2009, khủng hoảng kinh tế toàn cầu xảy ra, tình hình kinh doanh rất khó khăn. Thay vì giảm công nhân, dừng sản xuất, tôi mạnh dạn chuyển qua chăm sóc tốt thị trường nội địa, đi mua nguyên liệu dự trữ trong khi không ai mua nên có giá rất tốt và được ưu đãi cao... để đón đầu sau khủng hoảng, và kết quả là năm 2009 Đức Thành có lời khá hậu.

Vinh dự đại diện cho Doanh nghiệp TP.HCM đón tiếp tổng thống Bill Clinton khi ông đến thăm Việt Nam vào năm 2000, lý do nào chị được chọn?

Tôi là người đầu tiên được Tổng lãnh sự Mỹ tại Việt Nam mời đến phỏng vấn và ông đã chọn ngay sau khi tiếp xúc. Khi tôi đặt câu hỏi tại sao lại chọn tôi, ông trả lời rất đơn giản: “Thứ nhất, cô là phụ nữ. Để trở thành một phụ nữ thành đạt ở một đất nước châu Á của các bạn quả thật không dễ, cô phải nỗ lực gấp nhiều lần so với nam giới. Thứ hai, cô còn rất trẻ và được đào tạo rất bài bản. Cô là điển hình của một nhà doanh nghiệp trong một đất nước đang phát triển mà không cần “ô dù”.

Thời gian dành cho gia đình với tôi luôn không đủ

Được biết, chồng chị là ông Lê Như Ái (GĐ Công ty nước uống tinh khiết Sapuwa) cũng là một doanh nhân thành đạt. Nhà có hai người thành đạt thì ai nhường ai?

Chúng tôi cùng nhường nhịn nhau. Anh vừa là người cố vấn, vừa là người sẻ chia những buồn vui trong công việc của tôi. Dù bận bịu cách mấy nhưng khi về với gia đình, với tổ ấm, thì đó là không gian gia đình chứ không phải công việc.

Thú thật, để có cuộc hẹn này, chị cũng đã phải sắp xếp hàng tháng liền, thời gian đâu chị dành cho gia đình?

Tôi quan niệm, cuộc sống của mình phải cân bằng theo triết lý tam giác đều: một góc dành cho công việc, một góc dành cho gia đình và sức khỏe, một góc dành cho con cái. Phải luôn cố gắng để ba góc này bằng nhau, vì khi có một góc tù thì ắt hai góc còn lại sẽ nhọn. Do đó, tôi luôn biết xem xét nặng nhẹ để cân bằng hợp lý trong công việc và cuộc sống. Khi chồng con cần, tôi sẵn sàng gác công việc sang một bên để trở về với gia đình hoặc ngược lại.

Còn thời gian dành cho việc chăm sóc bản thân thì sao?

Tôi rất tệ khoản trang điểm, hay sắm sửa quần áo (cười). Thời gian đến các beauty salon hay dịch vụ spa với tôi là xa xỉ. Bạn biết không, quần áo tôi mặc cũng do ông xã chọn cả đấy.

Nhưng trong xã hội hiện đại, người phụ nữ, nhất là nổi tiếng như chị cũng rất cần phải trau chuốt hình ảnh cá nhân chứ?

Với tôi, hình ảnh cá nhân gắn liền với uy tín, đạo đức và cái tâm bên trong. Nhiều người không đẹp, không mặc đồ hiệu nhưng họ vẫn được rất nhiều người quý mến và nể trọng… Tôi chỉ không chú trọng nhiều đến hình thức bên ngoài thôi, chứ không có nghĩa là xuề xòa.

Cho đến lúc này, điều gì làm chị hối tiếc nhất?

Có lẽ, nên hỏi tôi có ao ước gì thì đúng hơn vì tôi không có gì phải nuối tiếc cả. Tôi chỉ ao ước ngày có nhiều hơn 24 tiếng để có thời gian cho việc tập luyện thể dục và cho gia đình.

 

Cám ơn chị về buổi trò chuyện này!

 

Vài nét:

Lê Hải Liễu, sinh ngày 18/02/1962

Năm 1998: được mời tham gia Phái đoàn đại diện các doanh nghiệp Việt Nam sang thăm và làm việc với Chính phủ Thụy Điển.

Năm 2000: được tạp chí Saigon Time Weekly bình chọn là 1 trong 20 doanh nghiệp nữ hoạt động tiêu biểu trong năm, được đại diện doanh nghiệp TP.HCM đón tiếp tổng thống Mỹ Bill Clinton khi ông đến thăm Việt Nam.

Năm 2001: tháp tùng Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sang Mỹ xúc tiến thương mại.

Năm 2003: được bình chọn gương Điển hình tiên tiến xuất sắc toàn quốc.

Năm 2009: được Thủ tướng chính phủ trao tặng Bằng khen do đạt Danh hiệu “Doanh nhân Sài Gòn tiêu biểu” liên tục 5 năm liền ( từ 2004 - 2008).

Năm 2010: được Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam trao Danh hiệu “Nữ doanh nhân Việt Nam tiêu biểu 2009 - Cúp bông hồng vàng”, Doanh nhân VN tiêu biểu.

Theo Tạp chí Thế giới người nổi tiếng

Ý kiến bạn đọc