Việt Nam đứng top 5 quốc gia xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất thế giới

Thứ năm, 23/05/2024, 15:52 GMT+7

VOH - Năm 2023 đánh dấu một cột mốc quan trọng cho ngành gỗ Việt Nam khi lần đầu tiên lọt Top 5 quốc gia xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất thế giới, thứ 2 châu Á và đứng đầu khu vực Đông Nam Á. 
Tuy nhiên, bên cạnh thành tựu đáng tự hào này, ngành cũng phải đối mặt với không ít khó khăn và thách thức.

Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2023 đạt 13,4 tỷ USD, giảm 16,2% so với năm 2022. Ghi nhận tăng tưởng âm sau khi duy trì đà tăng suốt 2 thập kỷ qua, kim ngạch xuất khẩu từ con số 219 triệu USD năm 2000 tăng lên 15,8 tỷ USD vào năm 2022.

Tuy nhiên, khởi đầu năm 2024 đã mang đến tín hiệu tích cực cho ngành gỗ Việt Nam. Tháng 1/2024, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,49 tỷ USD, tăng 72,5% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 29% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành nông nghiệp.

Hiện, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc là 4 thị trường xuất khẩu chính của ngành hàng gỗ Việt. Trong năm 2023, các thị trường này chiếm 85% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành hàng này của nước ta.

Kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ cho thấy, tín hiệu phục hồi từ những tháng cuối năm 2023. Tuy nhiên, trước những khó khăn của thị trường khi xung đột giữa các quốc gia diễn biến phức tạp, kéo dài làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Gỗ Đức Thành đặt mục tiêu lợi nhuận 60 tỷ đồng năm 2024, tăng 165% so với năm 2023
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, Công ty cổ phần chế biến Gỗ Đức Thành (GDT) đã thông qua các báo cáo tài chính, phương án phân phối lợi nhuận năm 2023 và kế hoạch kinh doanh năm 2024.


Toàn cảnh Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024


Kết quả kinh doanh 2023
Năm 2023, GDT ghi nhận doanh thu 310,99 tỷ đồng, đạt 60% kế hoạch đề ra. Lợi nhuận trước thuế đạt 46,04 tỷ đồng, hoàn thành 49% kế hoạch. Mặc dù kết quả kinh doanh không đạt được như kỳ vọng, nhưng đây là thành quả đáng khích lệ trong bối cảnh chung khó khăn của thị trường.

Tuy nhiên, GDT vẫn có nhiều điểm sáng trong năm 2023. Công ty đã hoàn thành việc tinh gọn bộ máy quản lý, sáp nhập các nhà máy, đạt được các chứng nhận quốc tế về môi trường và trách nhiệm xã hội, đồng thời vinh danh nhiều giải thưởng uy tín.

Đặc biệt, GDT đã chi trả cổ tức 10% đợt 3 năm 2021 bằng cổ phiếu, 20% cổ tức đợt 2 và 3 năm 2022 bằng tiền mặt và tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2023 bằng tiền mặt, tổng số tiền hơn 63 tỷ đồng. Đây là minh chứng cho tiềm lực tài chính vững mạnh và cam kết chia sẻ lợi nhuận với cổ đông của GDT.

 


Bà Lê Hải Liễu, Chủ tịch HĐQT Gỗ Đức Thành phát biểu tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024

Định hướng phát triển 2024
Bước sang năm 2024, GDT đặt mục tiêu doanh thu 365,57 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2023. Lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 75,1 tỷ đồng, tăng 64% so với cùng kỳ. Để đạt được mục tiêu này, GDT sẽ tập trung vào một số chiến lược sau:

Mở rộng sản xuất: GDT đang trong giai đoạn hoàn tất thủ tục để mua một nhà xưởng mới tại Bình Dương. Việc mở rộng sản xuất sẽ giúp GDT đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng tăng và tăng nguồn thu cho công ty.

Hợp tác với GreenYellow để lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái cho nhà máy 3 Bình Dương. Đây là giải pháp giúp GDT tiết kiệm chi phí điện, giảm thiểu tác động môi trường và nâng cao hình ảnh của công ty.

Tăng cường đầu tư vào nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng.

Với mục tiêu trở thành nhà cung cấp sản phẩm gỗ chế biến hàng đầu Việt Nam, Gỗ Đức Thành không ngừng đầu tư vào công nghệ sản xuất hiện đại, áp dụng các tiêu chuẩn quản lý tiên tiến và xây dựng đội ngũ nhân lực chuyên nghiệp. Doanh nghiệp cũng cam kết thực hiện trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Đây là tín hiệu tích cực cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp trong tương lai, góp phần khẳng định vị thế trên thị trường gỗ chế biến Việt Nam và quốc tế.

Nguồn VOH 20/05/2024