Nghi vấn thớt xà cừ nhuộm bột sắt chứa chất độc hại

Thứ hai, 23/05/2016, 08:27 GMT+7

Mục sở thị nơi làm thớt

Thớt thường được làm bằng các loại gỗ khác nhau như gỗ bạch đàn, gỗ trắc, gỗ nghiến, gỗ xà cừ... trong đó gỗ nghiến là loại gỗ làm thớt được ưa chuộng nhất bởi độ cứng, chắc và không độc hại cho người sử dụng. Tuy nhiên, theo như những gì PV ghi nhận thì tại một làng làm thớt không xa trung tâm Hà Nội, hàng ngày những người làm thớt đang “hô biến” những chiếc thớt xà cừ thành những chiếc thớt gỗ nghiến bằng việc ngâm vào một loại hóa chất làm từ bột sắt.

Để tìm hiểu về vấn đề trên, PV đến một khu làng làm thớt tại thị trấn Thạch Thất (Huyện Thạch Thất - Hà Nội). Tại đây, những cây gỗ xà cừ đủ kích thước đường kính lớn nhỏ được cưa cắt "khoanh" ra theo từng loại cụ thể. Gỗ sau khi cắt "khoanh" được đưa vào máy "rẻo". Tiếp đó, công nhân dùng chiếc compa vẽ hình tròn theo yêu cầu để làm thớt, gỗ đưa vào chiếc cưa đứng.

Anh Q, chủ một xưởng sản xuất thớt cho biết: Nghề làm thớt nơi đây có từ khoảng chục năm nay. Gỗ làm thớt là gỗ xà cừ. Loại gỗ này được mua từ rất nhiều địa phương trên cả nước. Khi nguồn gỗ khan hiếm dần, chủ sản xuất thớt phải mua gỗ xà cừ từ các tỉnh miền Nam chuyển ra.

16-5-231

Những chiếc thớt xà cừ sau khi được nhuộm phẩm màu có màu sắc không khác gì làm từ gỗ nghiến

Theo anh Q. sở dĩ xà cừ được chọn làm thớt vì đây là loại gỗ có đường kính to phù hợp với kích thước làm thớt. Hơn nữa, xà cừ có giá thành hợp lý, nguồn gỗ dễ kiếm, chất gỗ mềm dễ chế tạo, vân gỗ đẹp nên khi nhuộm màu trông không khác gì thớt nghiến. Mỗi tháng, cở sở sản xuất của anh Q xuất xưởng khoảng 2 vạn chiếc thớt. Gía mỗi chiếc thớt to có đường kính 40cm bán tại xưởng có giá khoảng 90.000 đồng, loại bé hơn 70.000 đồng và loại 50.000 đồng, nhỏ nhất 20.000 đồng.

Tại khu này có gần chục xưởng chuyên sản xuất thớt. Mỗi ngày có khoảng vài nghìn chiếc thớt được sản xuất. Thớt được lái buôn đưa tiêu thụ khắp cả nước, tuy nhiên số lượng lớn nhất là được nhập sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch.

Thớt xà cừ nhuộm màu bằng bột sắt và nước vôi mua ở hàng tạp hóa

Qua tìm hiểu tại khu sản xuất thớt này nhiều người dân tại đây cho biết, khi có đơn đặt hàng, những xưởng sản xuất thớt nơi đây sẽ nhuộm màu thớt bằng cách ngâm thớt vào những chậu chất lỏng có màu vàng nghệ, đó chính là nước vôi hòa sẵn bột sắt. Công đoạn ngâm thớt rất nhanh chóng. Thớt được ngâm vào chậu phẩm màu hỗn hợp đã pha chế sẵn với thời gian khoảng 3 phút thì vớt ra, phơi khô rồi dùng máy đánh bóng. Để tăng thêm độ bóng sáng cho thớt, người ta còn dùng thêm nến để chà lên bề mặt của thớt, sau đó dùng máy đánh bóng.

Chiếc thớt được ngậm thứ gọi là bột sắt không rõ nguồn gốc này không hề bị bong tróc. Trong chốc lát, chiếc thớt xà cừ đã biến thành một chiếc thớt như làm bằng gỗ nghiến mà bằng mắt thường và không có kinh nghiệm thì không thể biết được.

Khi thắc mắc về việc liệu sau thời gian ngắn thớt có bị bay màu, một chủ xưởng khẳng định thớt đã "ngậm" màu này vào sâu rồi thì làm sao mà phai được". Tuy nhiên, khi hỏi về loại phẩm màu dùng để nhuộm thớt thì chị này từ chối trả lời mà chỉ cho biết “loại bột này được mua ở chợ Đồng Xuân, chợ Hà Đông”.

16-5-232

Loại phẩm màu nhuộm thớt không có nhãn mác được bán tràn lan tại các cửa hàng tạp hóa

Quay trở lại xưởng anh Q, anh này cởi mở cho hay: "Ở đây ai cũng giấu nghề, giấu bí quyết nên hỏi nơi mua phẩm màu không ai nói đâu. Riêng tôi thì tôi không giấu".

Theo đó, nói về phẩm màu nhuộm thớt anh Q. giới thiệu đến cửa hàng tạp hóa ở thôn Bùng, xã Phùng Xá (Thạch Thất).

Tại cửa hàng như lời giới thiệu của anh Q., khi hỏi mua phẩm màu để nhuộm thớt, chủ cửa hàng không ngần ngại xách một túi bóng màu đen, bên trong đựng nhiều bịch nhỏ không có nhãn mác.

Chị chủ cửa hàng còn ân cần cho biết, đây là bột sắt mà một số chủ xưởng làm thớt ở khu vực thị trấn Thạch Thất thường xuyên mua về để nhuộm thớt. Muốn để thớt có bề mặt như thớt nghiến, chỉ cần bỏ một lượng bột sắt vào chậu nước vôi hòa đều là có ngay một chậu phẩm màu theo ý muốn. Chị còn dặn kỹ, khi nhuộm thớt nhớ phải cẩn thận đeo găng tay kẻo phẩm màu dính vào thì rất khó rửa ra.

Quan sát bằng mắt thường không thể khẳng định được thứ bột phẩm màu gọi là bột sắt dùng để ngâm thớt có độc hại cho người sử dụng. Tuy nhiên, điều ai cũng thấy là trong quá trình sử dụng, thớt sẽ bị mục nên khi dùng thớt để chế biến thức ăn chắc chắn sẽ không tránh khỏi thứ hóa chất đã ngấm vào thớt nay sẽ ngấm vào thức ăn và vô tình gây hại cho người dùng.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ sinh học – Công nghệ thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội: "Việc dùng phẩm màu "hô biến" gỗ xà cừ thành thớt nghiến là điều đáng phản ánh về góc độ lương tâm người sản xuất. Với chất màu thực phẩm, Bộ Y tế đã quy định rõ, đối với phụ gia được phép sử dụng, trên bao bì phải ghi rõ tên hóa chất, thành phần hóa học, tính năng kỹ thuật và tính chất vật lý, liều lượng, cách dùng".

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh thì "thực tế việc người bán và người mua dùng loại nào để nhuộm cho sản phẩm là rất khó. Nếu dùng màu để nhuộm, đặc biệt các chất gốc azo thì rất độc, chúng có khả năng giải phóng vòng benzen, có thể gây ung thư, nhẹ thì có thể gây dị ứng. Với trẻ nhỏ việc hấp thụ quá nhiều có thể gây kích thích, hiếu động thái quá hoặc lơ đãng".

 
   

Hà Long

http://www.giadinhvietnam.com/

TAG: