Thành phố Hồ Chí Minh: Xuất khẩu đang bật tăng mạnh

(HQ Online) - Sau khi chững lại trong những tháng đầu năm 2021, xuất khẩu hàng hóa của TPHCM đang bật tăng mạnh, kỳ vọng sẽ đạt được mục tiêu xuất khẩu trên 40 tỷ USD.

BO9A8763

Sản xuất gỗ xuất khẩu tại Công ty CP Gỗ Đức Thành. Ảnh: D.T


Gia tăng xuất khẩu

Trong những ngày đầu tháng 5/2021, Công ty CP Gỗ Đức Thành (GDT) làm thủ tục xuất khẩu nhiều lô hàng gỗ đi châu Âu. Theo GDT tính đến đầu tháng 5/2021, GDT đã hoàn thành được trên 70% kế hoạch nhận đơn đặt hàng của cả năm 2021. Theo bà Lê Hải Liễu, Chủ tịch HĐQT GDT, thực tế đơn hàng xuất khẩu nhiều công ty đang làm không hết do đã nhận nhiều đơn hàng xuất khẩu. Chính vì thế, công ty chủ động không nhận đơn hàng nhiều để giữ uy tín với khách hàng. Bà Lê Hải Liễu cũng cho biết, để cạnh tranh với sản phẩm các nước trong khu vực như Thái Lan, Trung Quốc khá gay gắt, công ty luôn đảm bảo uy tín bằng chất lượng sản phẩm và giá cả.


Đó là một trong nhiều doanh nghiệp của TPHCM nỗ lực mở rộng thị trường, gia tăng hàng hóa xuất khẩu, góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu của TPHCM. Theo đánh giá của UBND TPHCM, đại dịch Covid-19 vẫn tác động rất lớn đối với tất cả các nước trên thế giới, một số quốc gia đã đóng cửa biên giới. Mặc dù vậy hoạt động xuất khẩu hàng hóa của thành phố vẫn đạt được mức tăng trưởng dương. Trong 4 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch XNK hàng hóa của thành phố qua các cửa khẩu TPHCM tăng 21,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 13,9% và nhập khẩu tăng 27,7%.

  Để tạo thuận lợi cho hoạt động XNK của doanh nghiệp, Sở Công Thương TPHCM đề xuất lãnh đạo TPHCM nghiên cứu thành lập 7 trung tâm logistics tại Long Bình, Cát Lái, Linh Trung, Khu Công nghệ cao, Tân Kiên, Hiệp Phước, Củ Chi với tổng diện tích 623 ha để tăng cường kết nối tỉnh/thành, nâng cao năng suất trung chuyển hàng hóa XNK; đồng thời làm trung tâm phân phối, hỗ trợ cho hệ thống bán lẻ và Thương mại điện tử nội thành, kéo giảm ùn tắc giao thông. Ngoài ra, còn có 2 trung tâm logistics sẽ được rà soát, triển khai bổ sung gồm: khu đất 150 ha ở xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn và khu đất 64 ha tại cảng Phú Định.

Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của các doanh nghiệp thành phố xuất qua cảng thành phố (gồm cả dầu thô) trong 4 tháng đầu năm 2021 đạt 14.204,7 triệu USD, chiếm 91,8% tổng giá trị xuất khẩu của thành phố tại các cửa khẩu trên cả nước và tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế nhà nước đạt 338,8 triệu USD, giảm 58,7%; khu vực kinh tế ngoài nhà nước đạt 3.908,7 triệu USD, tăng 11,4%; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 9.957,2 triệu USD, tăng 20,5%.

Về thị trường xuất khẩu hàng hóa, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của các doanh nghiệp thành phố với kim ngạch xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm 2021 đạt 3.525,2 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 24,8% tỷ trọng xuất khẩu. Tiếp theo là thị trường Hoa Kỳ đạt 2.195,1 triệu USD, tăng 4,9% so với cùng kỳ, chiếm 15,5% tỷ trọng xuất khẩu. Thứ ba, xuất khẩu sang thị trường Hồng Kông đạt 1.517,2 triệu USD, tăng 105% so với cùng kỳ, chiếm 10,7% tỷ trọng xuất khẩu.

Kỳ vọng xuất khẩu gần 50 tỷ USD

Năm 2021, TPHCM đặt ra mục tiêu xuất khẩu trên 49 tỷ USD, tăng 10% so với kim ngạch xuất khẩu của năm 2020 và kim ngạch nhập khẩu sẽ đạt 57,1 tỷ USD, tăng trên 11% so với năm trước.

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Thuế XNK- Cục Hải quan TPHCM, trong quý 1/2021, đơn vị làm thủ tục cho hàng hóa XNK đạt kim ngạch trên 30,2 tỷ USD, tăng 9,67% so với cùng kỳ năm 2020, nhưng kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 12,8 tỷ USD, giảm 4,29% so với cùng kỳ năm 2020. Kết quả này đáng lo ngại đối với TPHCM. Tuy nhiên, bắt đầu từ tháng 3, kim ngạch hàng xuất khẩu đã nhích tăng, với mức tăng nhẹ 1,9% so với cùng kỳ năm 2020 đạt 15,406 tỷ USD. Đà tăng trưởng xuất khẩu đang được các doanh nghiệp duy trì đến thời điểm hiện nay, nên TPHCM kỳ vọng sẽ đạt được mục tiêu xuất khẩu gần 50 tỷ USD trong năm nay.

TPHCM dự báo đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 70 tỷ USD và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân giai đoạn 2026 - 2030 đạt 9%/năm. Với nhóm sản phẩm phần mềm, nội dung số, ước tính kim ngạch xuất khẩu đến năm 2025 đạt 10,1 tỷ USD và năm 2030 có thể đạt 20,3 tỷ USD.

TPHCM đặt ra nhiệm vụ từ nay đến năm 2025, duy trì và hỗ trợ phát triển các sản phẩm chủ lực truyền thống có kim ngạch xuất khẩu và tốc độ tăng trưởng cao, tạo nhiều việc làm và đóng góp ngân sách lớn cho thành phố, trong khi đó chuẩn bị điều kiện để nâng cấp công nghiệp, gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu, hướng đến thực hiện dịch vụ xuất khẩu là chiến lược dẫn dắt nhằm nâng cao giá trị gia tăng đúng theo lợi thế cạnh tranh của TPHCM.

Đồng thời, nâng cao năng lực cạnh tranh các cụm ngành xuất khẩu, bước đầu chuyển dịch dần từ những ngành thâm dụng lao động có mức độ tinh vi và cơ hội đa dạng hóa thấp sang những ngành có mức độ tinh vi và cơ hội đa dạng hóa cao hơn (điện tử, cơ khí, đồ gỗ…), xem những ngành này là nền tảng cho tăng trưởng xuất khẩu của thành phố trong thời gian tới.

TPHCM cũng đặt ra nhiệm vụ đến năm 2030, xây dựng chiến lược nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm xuất khẩu tiêu biểu gồm: Sản phẩm hữu hình (điện tử, cơ khí lắp ráp, chế tạo, tự động hóa, quang học), đặc biệt là các sản phẩm phần mềm - nội dung số và xuất khẩu dịch vụ tài chính, du lịch, logistics, bởi đây là các ngành động lực mới cho tăng trưởng xuất khẩu trong dài hạn. Chuyển dịch các nhóm ngành truyền thống thâm dụng lao động ra khu vực ngoại vi gồm: dệt may, da giày, chế biến thực phẩm, cao su, hóa chất, đồng thời kết hợp đẩy nhanh ứng dụng tự động hóa để thay thế dần vai trò của lao động phổ thông. TPHCM cũng đẩy mạnh thu hút đầu tư và phát triển các nhóm ngành xuất khẩu dịch vụ (tài chính, ngân hàng, logistics); xây dựng và hình thành các trung tâm dịch vụ logistics tại thành phố có tính đồng bộ trong kết nối và phục vụ lưu chuyển hàng hóa của cả vùng phía Nam.

Lê Thu
Nguồn: 
haiquanonline.com.vn 26/05/2021