banner  

Nguy hiểm đến từ pin đồ chơi trẻ em

Thứ ba, 30/09/2014

Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) vừa cấp cứu một trường hợp hy hữu: Trong lúc chơi ôtô, bé Bin táy máy cạy cục pin nhét vào mũi. Khi bố mẹ lôi được cục pin ra khỏi mũi của con thì bé Bin đã bị chì trong cục pin ăn hổng hết xoang mũi. Trước đó, một bé trai cũng bị vỡ mắt, cụt đốt ngón tay vì pin điều khiển xe đồ chơi phát nổ.

anh-1-2-1411969958660-crop-1411969976378

Bé Tú bị thương nặng do pin điều khiển đồ chơi phát nổ hôm 22/9. Ảnh: Thanh Huyền

Nhập viện vì đồ chơi

Người nhà bé Bin cho biết: Do được tặng sinh nhật một chiếc ôtô điều khiển chạy bằng pin nên Bin rất thích. Chơi được một thời gian, hết pin, Bin không biết phải làm thế nào nên cu cậu lật ngửa chiếc ô tô và khám phá. Thấy mấy cục pin lắp dưới gầm xe, Bin táy máy cạy cục pin ra nghịch. Nghịch chán chê, cu cậu lấy pin nhét vào mũi.

Mặc dù đã được người nhà rút pin ra khỏi mũi, lau rửa mặt nhưng sau đó, Bin có triệu chứng chảy rất nhiều nước mũi, sốt, rối loạn tiêu hoá, nôn. Bin được bố mẹ đưa đến Bệnh viện Xanh Pôn cấp cứu. Tại đây, các bác sĩ kết luận Bin đã bị hoại tử khoang mũi do bị nhiễm độc chì.

Trước đó, bé Nguyễn Chí Tú, (SN 2002, ngụ tại Ninh Phước, Ninh Thuận) phải nhập Bệnh viện Mắt TPHCM trong tình trạng cụt đốt một số ngón tay, rách giác mạc, vỡ nhãn cầu, dị vật nội nhãn và đục thủy tinh thể mắt phải do pin điều khiển ô tô đồ chơi phát nổ. Bác sĩ Phạm Nguyễn Huân, Phó Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, (Bệnh viện Mắt TP HCM) cho biết: Ngay khi nhập viện, bé Tú đã được vá nhãn cầu làm kín vết thương và chuyển qua Bệnh viện Nhi Đồng 1 để xử trí các vết thương ở ngón tay, sau đó lại quay trở lại tiếp tục điều trị mắt. “Con mắt bị thương của bệnh nhi tới nay chỉ phân biệt được sáng tối, còn mắt trái thị lực vẫn 10/10. Tiên lượng di chứng mắt trái của bé sau này rất dè dặt”, bác sĩ Huân cho biết.

Anh Nguyễn Văn Tiến, ba của bé Tú đau xót nói: “Vợ chồng tôi sinh được 5 đứa con, Tú là con út nên được cả nhà dành cho rất nhiều tình cảm. Nay chỉ vì chơi đồ chơi mà con trở nên như vậy, tôi đau lòng lắm. Suốt mấy hôm nay hai bố con chạy ngược chạy xuôi từ Bệnh viện Mắt TP HCM qua Bệnh viện Nhi Đồng 1 không biết bao nhiêu vòng. Mắt của cháu không thấy đường nữa, ngón tay lại có triệu chứng nhiễm trùng...”.

Chì ăn mòn xương ở trẻ em

Trao đổi với PV, kỹ sư hóa học Nguyễn Hưng Dũng, Viện Hóa học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết: Bình thường vỏ ngoài của quả pin thường được bọc bằng kẽm, nhưng nếu trẻ ngậm mút lâu ngày hoặc nhằn sứt quả pin cũng dễ có nguy cơ nhiễm độc chì trong pin. Theo kỹ sư Nguyễn Hưng Dũng, nếu như chì được chuyển hóa vào cơ thể sẽ có tác hại khủng khiếp đó là thay thế dần canxi trong xương, cơ thể mềm nhũn, da lở loét và trẻ em rất chậm biết đi.

Về vụ nổ pin xe ô tô điều khiển, TS Huỳnh Khánh Duy - Khoa Kỹ thuật hóa học, ĐH Bách Khoa TPHCM cho biết, thông thường có hai loại pin: Pin Lithium-Ion và pin kẽm Amonium chloride. Tất cả các pin đều có thể nổ nếu dùng không đúng cách. Loại pin dùng trong đồ chơi thường là pin kẽm Amonium chloride, nguy cơ ít hơn so với pin Lithium-Ion (có đặc tính không ổn định) thường dùng trong điện thoại, máy tính. Khi sử dụng pin không đúng cách như: Đấu pin sai cực, dùng quá công suất của pin hoặc dùng pin trôi nổi không rõ nguồn gốc, chất lượng… dễ dẫn đến nguy cơ pin phát nổ. Khi pin hoạt động sẽ sinh ra nhiệt, tích lũy năng lượng, dẫn tới dãn thể tích, sinh khí. Pin trôi nổi thì thành phần nguyên liệu không rõ ràng, không tinh khiết và không qua kiểm định, đánh giá chất lượng, lẫn tạp chất nên không an toàn, nguy cơ phát nổ cao hơn so với pin chính hãng. Cũng theo TS Huỳnh Khánh Duy, pin kẽm Amonium-Ion kém chất lượng dễ bị hỏng, chảy nước. Khi đó, ngoài nguy cơ phát nổ cao thì dung dịch trong pin dễ gây ăn mòn quần áo, ăn mòn da và gây nhiễm độc kim loại nặng, nhiễm độc da. Không nên sử dụng thiết bị khi đang sạc pin vì sẽ làm pin tỏa nhiệt nhiều hơn, cộng với pin không ổn định, sẽ gây nổ.

Kỹ sư Nguyễn Hưng Dũng cũng cho hay: Thông thường để hạ giá thành sản phẩm, các cơ sở sản xuất đồ chơi thường dùng nhựa tái sinh (nhựa tạo màu) để sản xuất. Đây chính là lý do vì sao giá thành của đồ chơi Trung Quốc trôi nổi lại rẻ hơn nhiều so với đồ chơi trong nước vì đa số các doanh nghiệp trong nước khi đưa ra mẫu sản phẩm đồ chơi cho trẻ em dưới 36 tháng tuổi đều phải được Trung tâm Kiểm định đo lường chất lượng sản phẩm kiểm tra, nếu đạt tiêu chuẩn an toàn cho trẻ mới được bán ra thị trường. Nguy hiểm nhất trong dạng đồ chơi bằng nhựa của trẻ em chính là chất làm ổn định nhiệt trong đó có chì và cadimi (Cd). Chất này có tác dụng tự điều chỉnh nhiệt độ (cao quá hoặc thấp quá) trong quá trình đun nấu cũng không ảnh hưởng tới độ mềm dẻo khi ép vào khuôn của sản phẩm. Nếu nồng độ của chì và Cd cao hơn cho phép trong đồ chơi trẻ em được chuyển hóa vào cơ thể có thể sẽ khiến trẻ chậm biết đi do bị nhiễm độc chì.

Cũng theo kỹ sư Nguyễn Hưng Dũng, đồ chơi trẻ em càng nhiều màu sặc sỡ, càng nguy hiểm đến sức khoẻ của trẻ vì trong đồ chơi có sử dụng các phẩm màu hoặc hợp chất có màu (hữu cơ hoặc vô cơ), hai hợp chất này cho dù là loại nào ngấm vào cơ thể cũng dễ bào mòn sức khỏe của trẻ. Tuy nhiên, kỹ sư Nguyễn Hưng Dũng cũng lưu ý tác hại của những đồ chơi này không phải áp dụng đồng đều trên mọi đứa trẻ giống nhau vì mỗi cơ thể đều có quá trình trao đổi chất khác nhau. Với trẻ này hại nhiều, trẻ kia hại ít. Nhưng nói chung khi đã tiếp xúc  thường xuyên thì ít nhiều cũng bị ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Điều này không dễ nhận ra ngay mà nó sẽ ngấm từ từ theo kiểu mưa dầm thấm lâu.

Theo BS Nguyễn Thị Kim Thoa, Bệnh viện Nhi Đồng 1-TP HCM, khi bị nhiễm chì vào cơ thể thì cực kỳ nguy hiểm. Biểu hiện đầu tiên của nhiễm độc chì là gây rối loạn tiêu hóa, nôn, tiêu chảy, biếng ăn, hay đau bụng từng cơn dữ dội kéo dài từ vài ngày đến vài giờ. Trẻ trông xanh xao hay mệt do thiếu máu. Trường hợp nặng sẽ gây suy thận, viêm cơ tim. Lâu ngày, chì gây tổn thương não khiến trẻ dễ bị kích thích, co giật, hôn mê. Nếu không được điều trị tích cực, bệnh diễn tiến rất nặng và tái đi tái lại do thời gian để loại chì ra khỏi cơ thể rất lâu. Thời gian để loại chì ra khỏi thận là 7 năm và ra khỏi xương là 32 năm.

Để tránh tai nạn ở trẻ, các bậc cha mẹ nên mua đồ chơi theo đúng độ tuổi được khuyến cáo. Trong trường hợp muốn cho trẻ chơi những đồ chơi có sử dụng pin như ô tô, trống, kèn, búp bê biết khóc…thì nên sử dụng loại có gắn vít ở chỗ lắp pin để trẻ không thể tự tháo, lắp pin. Nếu mua đồ chơi cho trẻ dưới 3 tuổi cần thiết phải có dòng chữ cảnh báo về sản phẩm của nhà sản xuất. Đặc biệt tuyệt đối không để cho trẻ ngậm, mút, nhai đồ chơi để tránh nhiễm độc.

Kỹ sư Nguyễn Hưng Dũng

Bảo Châu
Theo GiadinhNet

TAG:

Ý kiến bạn đọc