banner  

Nghĩ khác, làm khác

Thứ ba, 20/09/2011

Thật khó khi viết về một doanh nhân nổi tiếng và đã có quá nhiều bài viết. Lê Hải Liễu – Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc công ty cổ phần chế biến Gỗ Đức Thành không chỉ là một “nhân vật cũ” của tôi, mà chị còn là ân nhân của những bệnh nhi ung thư. Một nữ doanh nhân sắc sảo và luôn cầu toàn trong mọi việc; một phụ nữ nhân hậu, biết tiết chế những nhu cầu của bản thân để dành tiền cho việc từ thiện; một người mẹ yêu con với vẻ nghiêm nghị nhưng lại luôn mềm lòng với tình yêu của những bà mẹ khác. Kỳ lạ thay, càng hiểu chị, tôi càng bị chị lôi cuốn.

Từ tấm thớt sạch đến đồ chơi giáo dục và an toàn

Trong những dịp khai trương Winwin Shop, tôi thấy chị say sưa giới thiệu cách dạy trẻ chơi đồ chơi gỗ. Winwintoys – nhãn hiệu đồ chơi gỗ của Đức Thành – xuất hiện ở thị trường nội địa hơn 4 năm gần đây có phải xuất phát từ tình yêu của chị dành cho con?

Đó là một nguyên do đến rất tình cờ. Lúc có đứa con gái thứ hai, tôi trăn trở tìm kiếm loại đồ chơi giúp con vừa chơi vừa học, kích thích trí tìm tòi của con nhưng không tìm thấy.

Trong một dịp đi hội chợ nước ngoài, đến một gian hàng đồ chơi gỗ, thấy người ta giới thiệu cách chơi, tôi thú vị quá. Cũng là đồ chơi, nhưng đồ chơi gỗ bắt đứa trẻ phải suy nghĩ mới chơi được. Tôi hỏi mua nhưng họ không bán, ra ngoài siêu thị thấy giá cao mà mang về lại nặng. Tôi suy nghĩ: nó bằng gỗ, mình cũng làm đồ gỗ, thử xem sao? Trong lúc chưa biết bắt đầu thế nào thì tôi gặp lại một người bạn, anh ấy đang làm đồ chơi gỗ nhưng lại muốn bán xưởng. Tôi mua công nghệ, mẫu mã, thậm chí cả máy móc và nhân công …trong xưởng cũ của anh và trở thành người trong nghề. Anh bạn tận tâm nêu một nguyên tắc: trẻ em chưa ý thức, chỉ cần mình sơ sẩy thì hối tiếc không kịp. Mỗi khi ra sản phẩm Winwin mới, ý nghĩ đầu tiên là tôi làm thứ này cho con mình chơi nên không cho phép mình sơ suất.

Mỗi khi ra sản phẩm đồ chơi mới, ý nghĩ đầu tiên là tôi làm thứ này cho con mình

Chị luôn khuyến khích cha mẹ cùng chơi Winwin với con. Riêng chị thì sao, chị có thường chơi cùng con? Món đồ chơi Winwin nào mà cả ba mẹ con chị thường chơi?

Chính vì có con nhỏ, nên mỗi khi làm ra món đồ chơi mới có độ tuổi phù hợp, tôi đều mang về cho con chơi thử. Khi con chơi, tôi quan sát con, thậm chí chơi cùng con với “hai vai trò”: vừa là bà mẹ, vừa là người tiêu dùng …nên luôn có những nhận xét mới mẻ để hoàn thiện món đồ chơi. Những “cuộc chơi thử” chính là dịp tôi kéo con mình lại gần. Một công đôi việc, vừa được chơi với con, vừa làm tốt công việc của mình.

Trong khi đó, tôi nhìn thấy đa phần các bậc cha mẹ bận rộn hơn ngày xưa, thời gian dành cho con ngày càng ít. Họ thường mua đồ chơi quăng cho con để tự an ủi mình đã quan tâm đến chúng, nhưng kỳ thực, khoảng cách giữa cha mẹ và con ngày càng xa, đứa trẻ không được gần gũi và chơi cùng ba mẹ. Khi chơi đồ chơi gỗ, đứa trẻ thường lúng túng và muốn được ba mẹ hỗ trợ. Đầu tiên, điều ấy có vẻ là bắt buộc, sau đó ba mẹ sẽ bị cuốn hút chơi cùng con. Đồ chơi gỗ khiến cha mẹ và con cái gần gũi nhau, cuộc sống gia đình tốt hơn.

Ở nhà tôi, loại đồ chơi xếp hình (ghép tranh) là thứ được con bé út – Thanh An – ưa thích. Con bé mới 4 tuổi, nhớ rất dai chỗ nào có cái gì. Còn con chị 7 tuổi – Như Thanh - lại thích những trò có sự thách đố, chẳng hạn xếp trụ 12 cọc. Khi tự tìm ra quy luật của trò chơi, con bé tỏ ra rất thích thú.

Giá cao là một hạn chế của sản phẩm gia dụng và đồ chơi gỗ của Đức Thành, chị sẽ thuyết phục cách nào khi người tiêu dùng thích sản phẩm của chị mà không dám mua?

“Đừng nhìn vào giá, hãy nhìn vào công dụng của nó” – đó là điều tôi sẽ thuyết phục người tiêu dùng. Bởi làm sao giá có thể rẻ khi sản phẩm nào cũng khiến bạn an tâm vì sử dụng nguyên liệu an toàn, chưa kể kiểu dáng hay công dụng của từng loại đều chứa đựng tinh hoa chất xám: vừa đẹp, vừa sử dụng được nhiều lần.

Winwin Toys có hơn 200 mẫu – đa dạng nhất trong các nhãn hiệu đồ chơi gỗ hiện có trên thị trường - giá từ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn, cha mẹ có thể lựa chọn loại phù hợp với con và hợp với túi tiền. Một chuyên gia giáo dục đã nói: Đồ chơi có quá nhiều công dụng có sẵn sẽ thui chột sự sáng tạo của đứa trẻ. Còn đồ chơi gỗ buộc đứa trẻ phải suy nghĩ, giống như một đề bài cần phải giải, buộc nó phải tự tìm hiểu quy luật. So sánh như thế, không biết là rẻ hay đắt? Dù chuyên làm hàng gia dụng xuất khẩu (với tỷ lệ 95%), tôi xác định đồ chơi Winwin Toys ưu tiên dành cho trẻ em Việt Nam, nên sáng tạo ra nhiều mẫu mã phù hợp. Đầu tư cho ngành đồ chơi gỗ rất cực. Ra đời một mẫu mới rất lâu. Một cái thớt chỉ thay đổi độ dày mỏng hay mẫu mã, còn đồ chơi lại khác. Mỗi một mẫu đều có kết cấu khác, màu sắc khác, công dụng khác, cách chơi khác, đóng gói khác, bảo quản khác, lại phải đưa về cho trẻ em (đang học ở các trường hoặc con cán bộ công nhân viên) chơi thử để lựa chọn độ tuổi, thị hiếu, rồi sau đó cải tiến lại theo góp ý. Một món đồ chơi phải nghĩ ra nhiều cách chơi để tối đa hóa giá trị của sản phẩm đó, bạn nghĩ xem như thế có đắt không?

Phân khúc sản phẩm mà Đức Thành nhắm đến là người tiêu dùng trung lưu, có kiến thức và sự hiểu biết. Trong hơn một năm trở lại đây, chị đã nỗ lực thông tin về sản phẩm trên mọi kênh truyền thông, điều đó có đem lại hiệu quả kinh doanh?

Người dân của mình ngày càng ý thức được cái phải trả của món đồ rẻ: có những món đồ chơi chỉ cần hư một chi tiết là vứt luôn, chưa kể nguyên liệu sử dụng không an toàn. Winwin Toys ra mẫu mới liên tục nhưng khách hàng vẫn khát khao mẫu mới. Tính từ tháng 9/ 2006 – lúc có sản phẩm đầu tiên, đến nay doanh số nội địa của nhóm hàng này tăng trưởng 160%/năm, số lượng cửa hàng đồ chơi có bán Winwin Toys đã là 400, phát triển ra nhiều tỉnh thành. Dù chúng tôi yêu cầu trả tiền trước khi đặt hàng thì khách hàng vẫn chấp nhận.

Tôi có một mơ ước là tất cả các nhà trẻ, mẫu giáo đều mua đồ chơi Winwin về cho trẻ chơi và học. Đức Thành dành giá bán ưu đãi nhất cho đối tượng này. Hiện nay, đa số là các cô giáo tự mua về cho học trò chơi .

Riêng nhóm hàng gia dụng thì đến nay, doanh số tiêu thụ ở thị trường nội địa tăng khoảng 60%/năm.

Đồ gỗ gia dụng của Đức Thành cho người ta thấy hình ảnh một phụ nữ đứng đàng sau, vì sản phẩm thể hiện sự tỉ mẩn và khéo léo, có phải đó cũng là tính cách của chị? Ngoài điều đó ra, chị thích mình nhất ở điểm nào?

Từ nhỏ tôi đã được học làm bánh, nấu ăn, may vá, đan móc…và cái gì cũng làm được, không giỏi nhất nhưng đều biết làm, như vậy có gọi là khéo léo? Khi nhận những đơn hàng xuất khẩu đồ dùng nhà bếp bằng gỗ đầu tiên, nhìn mẫu mã họ đặt, tôi đã rất thích, chỉ nghĩ làm sao cũng có những mẫu này bán trong nước, để người nội trợ nào cũng có thể mua dùng. Với mong muốn đó, năm 1997-1998, Gỗ Đức Thành đã đưa sản phẩm đồ dùng nhà bếp tương tự hàng xuất khẩu ra thị trường nội địa. Lúc đầu cũng cực lắm, phải giải thích, phải tặng, phải ký gửi. Câu slogan “Thiên đường của người nội trợ” của sản phẩm gỗ gia dụng là do khách hàng đề nghị, khi họ đến thăm showroom của công ty. Bản thân tôi cũng sử dụng và tự rút ra kinh nghiệm. Mẫu giắt dao lúc đầu chỉ có mẫu xéo, sau tôi cải tiến thành mẫu đứng, vì để dao nặng có thể chúi xuống, phát xuất từ tâm trạng của mình khi sử dụng.

Chị hỏi tôi “Thích điều gì ở mình nhất?”. Để xem…dường như tôi rất ít khi từ chối được ai. Thấy người khác vui, tôi vui.

Tôi cũng thích mình ở sự sòng phẳng, tôi sai tôi chịu nhưng nếu không sai, tôi sẽ cãi tới cùng để ra chân lý.

Người phụ nữ luôn thiếu thời gian

Khi nhìn chị tỏa sáng với công việc, tôi luôn tự hỏi: thời gian đâu chị dành cho gia đình? Thật ngạc nhiên khi biết chị tự tay chăm sóc con khi cháu bị bệnh và còn cắt tóc cho con nữa? Giữa chị và ba chúng, các con chị mê ai hơn?

Anh Ái chiều các con tối đa, luôn mềm lòng trước mọi yêu cầu của con, nhưng các con tôi vẫn gần mẹ hơn: Có chuyện gì cũng kêu mẹ, méc với mẹ, dù khi ngủ mớ. Ba đứa con gái đều được bú sữa mẹ trong năm đầu. Điều may mắn là dù tôi luôn bận rộn, vắng nhà nhiều nhưng các con vẫn vây lấy mình, vẫn cần mẹ.

Ba cô con gái được chị giáo dục như thế nào? Chị có hình mẫu nào cho các con hay chị tôn trọng tính cách tự nhiên của từng đứa? Chị có hướng các con phải giống mẹ?

Không. Là một doanh nhân nữ, tôi thấy việc ra thương trường đối đầu không phù hợp với phụ nữ: lúc nào cũng buộc phải thắng, chịu rất nhiều áp lực, không có thời gian cho bản thân và gia đình. Ngay cả khi đi chơi, cũng không đi chơi trọn vẹn vì lúc nào cũng nghĩ đến đơn hàng. Đang làm việc, lại nghĩ đến con, lo con học không được, lại áy náy: có tiền làm gì nếu mình không mua được kiến thức cho con mình? Người phụ nữ-doanh nhân đứng ở vai nào cũng không trọn vẹn.

Bên cạnh đó, sức khỏe của phụ nữ cũng không bằng nam giới. Tất nhiên, tôi cũng tha thiết có đứa con để truyền nghề, truyền kinh nghiệm nhưng tôi sẽ không ép các con phải theo mình. Con thích, tôi sẽ không cản nhưng nếu có chí hướng khác thì tùy con chọn lựa.

Tôi quan niệm để các con phát triển tự nhiên, nhưng từ nhỏ phải uốn con vào nề nếp: chơi nhưng phải học, giống như một điều tự nhiên phải làm. Tôi theo trường phái cứng rắn: khi thấy con chướng, con sai mà bảo không được, tôi bảo: “Con muốn làm gì thì làm, mẹ không nói nữa” thì các con đều rất sợ, nghe lời ngay.

Có bữa bé Thanh An giật ngang đồ của chị và làm chị khóc. Tôi nói Thanh An trả cho chị, Thanh An vẫn nói không. Thế là tôi bảo: Mẹ nghỉ chơi, không nhìn con nữa, con ra đàng kia ngồi. An vẫn lì, ra ngoài gọi cửa ba cầu cứu. Khi ba dạy ra xin lỗi mẹ thì òa lên khóc, giụi vào người mẹ. Mẹ tha lỗi, thế là An ôm lấy mẹ.

Tôi quan niệm để các con phát triển tự nhiên, nhưng từ nhỏ phải uốn con vào nề nếp

Chồng chị, anh Lê Như Ái - TGĐ công ty Sapuwa - cũng là một doanh nhân thành đạt. Anh chị luôn đồng tâm hiệp sức trong nhiều việc. Điều gì ở anh ấy đã chinh phục chị? Từ lúc sống cùng anh ấy, chị thấy mình có điều gì thay đổi tốt hơn?

Thứ nhất anh Ái rất đạo đức, biết thương người. Anh Ái cư xử với người dưới rất tốt, đặc biệt người làm. Thứ hai anh ấy là mẫu đàn ông của công việc, không hút thuốc, không đi quán xá nhậu nhẹt, cư xử với phụ nữ rất đúng mực. Anh thường khen vợ nhưng không phải “lấy lòng” hay “xạo miệng”.

Tôi và anh Ái không bao giờ cho quà người giàu. Cho quà người giàu phải cho đồ đắt. Chúng tôi nghĩ để dành cái đắt cho người nghèo thì đáng quý hơn. Ra nước ngoài, anh học những điều hay, ghi nhớ trong lòng, khi về nhà gặp tình huống tương tự là áp dụng ngay, thấy hiệu quả lắm. Điểm này tôi khen hoài.

Từ ngày sống với anh, tôi có những thay đổi tốt hơn. Tôi là người rất ham việc, nhưng thay vì giúp tôi làm thì anh Ái không phụ họa mà luôn “lôi” tôi trở lại cho cân bằng. Khi thấy tôi thái quá trong việc gì đó thì anh sẽ chỉ ra cho tôi thấy cái sai. Phản xạ đầu tiên là tôi khó chịu, nhưng sau đó tôi hiểu anh ấy muốn tốt cho mình.

Tính tôi đùng đùng, nhưng anh lúc nào cũng từ từ, luôn nhẹ nhàng thuyết phục khi thấy tôi gây. Kết quả là tôi phải nghe anh. Quần áo, giày dép, trang sức…anh đều chọn cho tôi. Từ khi biết anh, tôi biết mang giày cao gót, mặc đầm (cười).

Người ta thường bảo phụ nữ thành đạt ngoài xã hội sẽ khó có hạnh phúc trong gia đình, chị có sợ điều đó? Có bao giờ chị phải ân hận vì đã thiếu thời gian dành cho người thân?

Có sợ và có ân hận. Tôi chỉ cầu mong mọi người trong gia đình thông cảm. Cái tôi sợ nhất là dù nỗ lực học hỏi, cố gắng trong công việc….nhưng con mình không trở thành một người thành đạt (về nhân cách, về học vấn). Cái sợ thứ hai là tôi luôn thiếu thời gian cho bản thân để giữ gìn sức khỏe cho mình. Lúc nào tôi cũng muốn làm tròn tất cả mọi việc mà quên đi bản thân.

Không có thú vui shopping hay đi spa làm đẹp, chị thường chọn cách nào để thư giãn?

Chọn lựa ảnh và ghép ảnh theo từng chủ đề. Chị có thể thấy ảnh các con và ảnh gia đình ở khắp nơi trong nhà tôi. Có một cái tủ kiếng bự để tôi chứa album ảnh gia đình, do chính tay tôi sắp xếp theo thời gian. Tôi mua một phần mềm xử lý ảnh và lúc nào có thời gian, tôi ghép ảnh các con, ảnh chồng, ảnh của mình theo khung cảnh và chủ đề riêng. Mỗi đứa con tôi đều có một “lý lịch bản thân” qua ảnh rất đáng yêu và đứa nào cũng thích. Đó là cách tôi thư giãn.

Từ thiện xã hội: nghĩ khác, làm khác

Mới đây, chị đã cùng chồng bỏ tiền túi gần 2 tỷ đồng để nâng cấp sửa chữa khoa huyết học thành khoa Ung Bướu Huyết học của BV Nhi Đồng 2, đồng thời xây dựng một khu vui chơi ngoài trời cho trẻ em đang điều trị ở đây. Trước đó, chị cũng bỏ tiền túi hơn 100 triệu đồng trang bị 50 cái giường, các kệ đựng đồ, thậm chí cả máy vi tính, máy in… cho Khoa Nhi BV Ung Bướu. Đã định làm điều gì tốt, chị thường đeo đuổi đến cùng và luôn chọn phương án giải quyết cái cơ bản. Đây là sự khác biệt?

Thấy rất nhiều người đến bệnh viện cho các bé quà và tiền, tôi nghĩ việc này không cần đến mình giúp nữa. Tôi luôn tìm kiếm phương án tối ưu nhất trong mọi chuyện. Cách đây nhiều năm, khi đến thăm một trại nuôi trẻ bị bệnh bẩm sinh, tôi lại thấy một góc khác: những người chăm sóc trẻ thật đáng khâm phục (vì chính tôi cũng không làm được như thế). Tôi đã tặng thêm tiền cho họ trong một năm để cuộc sống của họ cải thiện hơn.

Tương tự, khi đến thăm bệnh nhi ở bệnh viện Ung Bướu, tôi nhìn thấy không gian chật chội của khu điều trị và nghĩ mình có thể thay đổi được điều đó. Cái gì mọi người cần mà không ai làm thì tôi sẽ làm, bởi tôi quan niệm: giúp cần câu để người ta câu cá, chứ không giúp con cá.

Khi thấy những người bất hạnh, tôi luôn tìm mọi cách để cải thiện

Công ty của chị không bao giờ tham gia vào các cuộc đấu giá từ thiện ầm ỹ trên truyền hình, mà luôn tự tìm kiếm và âm thầm đồng hành với các cảnh đời khó khăn. Quan niệm của chị về việc làm từ thiện? Chị có coi làm từ thiện là “món trang sức” của sự thành đạt?

Chắc chị cũng thấy rồi, nếu chọn từ thiện là món trang sức cho sự thành đạt thì tôi sẽ lên tivi đấu giá từ thiện ngay. Thông thường, tôi chỉ nói khi đã làm xong một việc gì đó, với mong muốn mọi người nhìn thấy và cùng tham gia giống như vậy, cho cuộc đời tốt hơn.

Người ta thường bảo chị xài tiền rất kỹ: chị không bao giờ nhân nhượng khi bị tính giá cao trong các hợp đồng kinh doanh hay dịch vụ; chị cũng không mua hàng hiệu đắt tiền để tiêu dùng cho chính mình…nhưng chị sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn để giúp ai đó nếu thấy việc cần giúp. Đây là một cách sống giống các doanh nhân lớn trên thế giới, nhưng lại hoàn toàn khác với lối sống của không ít người mới giàu trong xã hội hiện nay. Chị có thấy mình bị “thiệt thòi” ?

Tôi không thấy mình bị thiệt thòi, mà đôi khi chỉ tự hỏi xem mình có khác người không? Cái vui là mình xài đồng tiền của chính mình, cho đúng chỗ thì sẽ thấy vui. Quan niệm thiệt thòi hay không là do chính mình, nếu mình hài lòng với cách mình chọn lựa và thấy đủ là đủ. Niềm vui đem lại sự hữu ích cho mọi người mới là cái đáng vui. Khi mình mua một cái áo hàng hiệu đắt tiền thì chỉ có một mình mình vui, còn mình đem số tiền ấy đi giúp những người cần giúp thì mình sẽ đem lại sự hữu ích và niềm vui cho nhiều người, thấy mình “giàu có” hơn, thấy mình có được thêm tình thân, sự trìu mến, sự quan tâm.

Tuy nhiên, có một điều tôi đang suy nghĩ lại: thông thường lâu nay đi nước ngoài tôi đều mua vé hạng economy (giá thấp nhất), nhưng nếu bây giờ tôi đang mệt mà cần phải bay chặng dài, tôi sẽ “cho phép” mình chọn hạng ghế thương gia (giá cao nhất), vì có người bảo thế này: “Nếu chị đau đầu mỏi cổ sau chuyến bay dài thì có nghĩa là việc kinh doanh sẽ không hiệu quả, sự thiệt hại còn nhiều hơn!” (cười).

* Cảm ơn chị, chúc chị sẽ biết dành thời gian chăm sóc chính mình, để nhiều người sẽ được hưởng lợi ích từ việc này!

Thanh Thủy (thực hiện)
(Bài đã đăng trên Tiếp Thị Gia Đình ra ngày 12.9.2011)

Ý kiến bạn đọc