banner  

Hơn 4 triệu nam giới có nguy cơ ế vợ

Thứ bảy, 27/09/2014

Cảnh báo về tình trạng này, tại buổi họp báo Chiến dịch truyền thông về mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) ngày 23/9, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, trong vòng 10 – 15 năm nữa Việt Nam sẽ phải đối mặt với viễn cảnh khoảng 2,3 – 4,3 triệu nam giới “dư thừa”, không tìm được vợ để kết hôn.

img-7212-2-1411487850455

Mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ ảnh hưởng tới cấu trúc dân số Việt Nam trong tương lai. Ảnh: P.V

Tỉ số giới tính khi sinh cao theo học vấn của bà mẹ

Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đã xảy ra ở một số nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ… Sự gia tăng bất thường của tỉ số giới tính khi sinh (TSGTKS) cũng được thấy rõ ở Việt Nam trong những năm gần đây. Nếu năm 2000, TSGTKS vẫn còn ở mức 106,2 bé trai so với 100 bé gái được sinh ra thì đến năm 2008 tỉ số này đã tăng lên 112,1. Năm 2009, theo kết quả Tổng điều tra Dân số và Nhà ở TSGTKS có giảm xuống 110,6 rồi lại tiếp tục tăng trong các năm tiếp theo. Năm 2013, TSGTKS tiếp tục tăng lên 113,8 và năm 2014 tỉ số này chưa có dấu hiệu giảm xuống với những diễn biến phức tạp.

Ông Phạm Năng An, Phó Vụ trưởng Vụ Cơ cấu và Chất lượng dân số, Tổng cục DS-KHHGĐ cho biết: “TSGTKS cao ngay ở lần sinh đầu tiên và đây là điểm khác biệt chỉ có ở Việt Nam”. Ở phần lớn các quốc gia có TSGTKS cao, nhìn chung tỉ trọng trẻ em trai được sinh ra ở lần sinh thứ hai cao hơn lần thứ nhất và lần ba cao hơn lần thứ hai nhưng ở Việt Nam thì ngược lại: Mất cân bằng giới tính khi sinh ngay từ lần sinh đầu tiên. Nếu ở các quốc gia khác, TSGTKS tăng đều đặn từ lần sinh thứ nhất đến lần sinh thứ ba. Nhưng ở Việt Nam, TSGTKS của lần sinh con đầu tiên là 115,2. Đến lần sinh thứ hai, tỉ số thấp hơn một chút là ở mức 110, nhưng đến lần sinh thứ ba và sau đó lên rất cao đến mức 121.

Một điều đáng bất ngờ nữa đó là trình độ học vấn của người mẹ cao thì TSGTKS ở nhóm này cao. Theo kết quả Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở 2009, cụ thể là ở nhóm các bà mẹ có trình độ tiểu học và thấp hơn thì TSGTKS là 107,1, ở nhóm trung học phổ thông và học nghề lên đến 111,4, ở nhóm có trình độ cao đẳng trở lên là 113,9. Phụ nữ đã học hơn 10 năm phổ thông thường có tỷ lệ sinh con trai cao nhất. Mặt khác, sự mất cân bằng giới tính khi sinh cũng tùy thuộc nhiều vào vị thế kinh tế xã hội của hộ gia đình và lần sinh con thứ mấy trong gia đình.

Phải thay đổi quan niệm “ưa thích con trai”

Điều đáng lo ngại là tình trạng MCBGTKS của Việt Nam đang diễn ra trong bối cảnh nhiều nước trong khu vực đã rơi vào tình trạng này và đang phải đối mặt với hệ lụy của nó. Hàng năm, các nước như Hàn Quốc, Trung Quốc phải “nhập khẩu” cô dâu mà vẫn không đáp ứng được số nam giới đến tuổi trưởng thành có nhu cầu kết hôn. Phần lớn các phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài là cô dâu của các nước nói trên. Điều đó cho thấy, nếu tình trạng MCBGTKS không được khống chế, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những hậu quả nặng nề hơn nhiều so với các nước có tình trạng tương tự.

MCBGTKS sẽ ảnh hưởng tới cấu trúc dân số Việt Nam trong tương lai, dẫn tới việc dư thừa nam giới trong xã hội. Các hậu quả về lâu dài rất nghiêm trọng: Việc thiếu phụ nữ sẽ làm gia tăng áp lực buộc các em gái phải kết hôn sớm hơn và có thể bỏ học để lập gia đình. Có thể sẽ gia tăng về nhu cầu mại dâm, dẫn đến việc gia tăng dường dây buôn bán phụ nữ.

Có nhiều ý kiến cho rằng, khoa học công nghệ phát triển mạnh, giúp người ta dễ dàng lựa chọn giới tính khi sinh, là một yếu tố cơ bản khiến TSGTKS tăng cao nhưng theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, “tỉnh nào, vùng nào có sự ưa thích con trai thì nơi đó TSGTKS cao”. Thứ trưởng đưa ra ví dụ những vùng, những tỉnh có TSGTKS cao tập trung chủ yếu ở miền Bắc, đặc biệt là Đồng bằng sông Hồng; trong khi các tỉnh khu vực phía Nam là nơi khoa học công nghệ phát triển mạnh lại không xảy ra tình trạng này. Nếu người dân ở các tỉnh phía Bắc và Đồng bằng sông Hồng mong muốn có con trai để nối dõi tông đường, để thờ cúng thì ở các tỉnh khu vực phía Nam người dân quan niệm con nào cũng là con, miễn khỏe mạnh.

Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến đánh giá, thời gian qua, ngành Dân số, Y tế đã có nhiều nỗ lực trong việc triển khai các biện pháp nhằm giảm sự gia tăng TSGTKS. Tuy nhiên các biện pháp can thiệp mới chú trọng về kỹ thuật, cấm siêu âm chẩn đoán giới tính, cấm phá thai lựa chọn giới tính... và tính khả thi chưa cao. Cho đến nay cơ quan chức năng mới xử lý được 2 trường hợp ở Hưng Yên và 2 trường hợp ở Kiên Giang vì cung cấp dịch vụ siêu âm chẩn đoán giới tính. “Do đó, biện pháp căn bản nhất vẫn là thay đổi được quan niệm, tư tưởng của người dân về vấn đề này. Nếu chúng ta không giải quyết quyết liệt vấn đề này, khoảng 15 – 20 năm nữa Việt Nam sẽ phải đối mặt với thực tế dư thừa khoảng 2,3 – 4,3 triệu nam giới không có cơ hội kết hôn. Chúng ta lại không đủ giàu để có thể lấy cô dâu người nước ngoài”, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến nói. Để có thể giải quyết được vấn đề này, theo Thứ trưởng Bộ Y tế cần sự vào cuộc của toàn xã hội, trong đó Bộ Y tế, cụ thể là Tổng cục DS-KHHGĐ bên cạnh các giải pháp kỹ thuật cần tăng cường đẩy mạnh công tác truyền thông để thay đổi được quan niệm và tư tưởng “trọng nam khinh nữ” của một bộ phận người dân.

Tại buổi họp báo, ông Arthur Erken, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho biết, hiện toàn châu Á đang ‘thiếu hụt’ tới 117 triệu phụ nữ do MCBGTKS, một trong những hậu quả của tình trạng phân biệt giới. Việt Nam không phải là quốc gia đầu tiên đối mặt với vấn đề MCBGTKS nhưng sự thật là thách thức này rất rõ ràng và đang ngày càng tăng lên. Theo ông Arthur Erken, nguyên nhân cốt lõi của vấn đề MCBGTKS không nằm ở việc lựa chọn giới tính thai nhi, mà chính là do sự bất bình đẳng giới. Hiện tượng lựa chọn giới tính trước khi sinh trở nên nghiêm trọng hơn bởi các giá trị truyền thống gia trưởng trong gia đình, đặc biệt là hệ thống gia đình phụ hệ cũng như thiếu quyền tự chủ của người phụ nữ về mặt tài chính và xã hội. “Tuy nhiên, nếu chỉ có phụ nữ thì không thể giải quyết được vấn đề, mà cần có sự hợp tác giữa nam giới trên tinh thần quan hệ đối tác. Nam giới cần phải được khuyến khích để trở thành những tác nhân thay đổi văn hóa - xã hội", ông Arthur Erken nhấn mạnh.

Nghiên cứu của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) cho thấy, nhóm dân số nghèo nhất thường có TSGTKS rất gần với mức bình thường là 105, trong khi đó với nhóm dân số giàu thì con số này lên đến 112. Khi xem xét theo thứ tự sinh, nghiên cứu của UNFPA chỉ ra sự khác biệt của TSGTKS theo 5 nhóm kinh tế - xã hội cho thấy: Ở các lần sinh 1 và 2, các nhóm nghèo nhất và nghèo đạt đỉnh ở mức chênh lệch là 111,9 rồi giảm xuống. Nhưng đối với các lần sinh thứ ba trở lên thì TSGTKS đã tăng lên một cách đều đặn và liên tục, từ mức bình thường 105 ở nhóm hộ gia đình nghèo nhất đến mức 133 ở nhóm giàu nhất.

Chiến dịch truyền thông chung tay giải quyết MCBGTKS là một trong những hoạt động thiết thực nhân Ngày Quốc tế trẻ em gái 11/10. Từ ngày 23/9 – 12/10/2014, Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) khởi động Chiến dịch này bao gồm một chuỗi sự kiện với nhiều hình thức: Hội thảo, tọa đàm, diễu hành tại Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh; tuyên truyền qua các phương tiện truyền thông đại chúng và mạng xã hội.

Hà Anh
Theo GiadinhNet

TAG:

Ý kiến bạn đọc