banner  

Cổ phiếu ESOP: Của để dành giúp người lao động thêm tự tin

Thứ hai, 18/01/2021

Trong mỗi kỳ đại hội cổ đông thường niên của công ty gỗ Đức Thành (mã chứng khoán GDT), bà Lê Hải Liễu – chủ tịch HĐQT – luôn dùng nhiều lý lẽ kiên nhẫn thuyết phục các nhà đầu tư cho công ty phát hành cổ phiếu ESOP. Kết quả là từ đợt phát hành cổ phiếu ESOP đầu tiên (2015) đến nay, gần 100% cán bộ công nhân viên của GDT đều trở thành cổ đông, một tỷ lệ cao đến bất ngờ so với nhiều công ty cổ phần khác ở Việt Nam. 

Vừa có thêm thu nhập từ cổ tức, vừa có “của để dành” 

Sau 7 năm làm việc ở Đức Thành, chị Lâm Hồng Quyên, công nhân tổ verni chà, rất an tâm vì thu nhập ổn định, công việc có đều đặn. Từ Sóc Trăng lên Sài Gòn kiếm việc, hai vợ chồng chị được nhận vào Đức Thành làm công nhân, họ rất chăm chỉ làm việc vì phải lo toan cho con gái và mẹ ở quê nhà. Chị được mua 2 đợt cổ phiếu hồi năm 2016 và 2018 với giá gốc. Từ ngày có cổ phiếu, cứ vài tháng chị lại có thêm khoản tiền lời là cổ tức, sắm sửa thêm đồ dùng gửi về quê. Mới đây chị được bán 50% số cổ phiếu, cầm trong tay số tiền kha khá, chị liền gửi về quê sửa nhà cho mẹ.  Hỏi chị còn bao nhiêu cổ phiếu? – Hơn 500, số đó để “lận lưng”, bán hết uổng lắm. Hỏi sắp tới công ty bán cổ phiếu ESOP nữa, chị mua không? – Công ty cho mua bao nhiêu tui cũng mua hết.

Lã Thúy Minh, Tổ trưởng tổ bao bì, làm việc 13 năm ở Đức Thành, vui vẻ kể em được mua cổ phiếu 3 lần, lần nào cũng được giúp đỡ tận tình. Vừa rồi Minh bán được 500 cổ phiếu bằng cách giao dịch trực tiếp với người môi giới ở sàn chứng khoán, sau ba ngày tiền chuyển vào tài khoản, Minh liền chuyển một phần về Hà Nội lo cho cha già. Minh tự hào nói: “Em vẫn còn hơn 1.000 cổ phiếu nữa, coi như khoản phòng thân”.  Minh làm bài toán: “Công ty bán một cổ phiếu cho công nhân có 10.000 đồng nhưng tụi em bán lại được từ 39 đến 40.000 đồng, rồi còn được chia cổ tức cao, nên ai cũng phấn khởi, vui lắm chị ơi”. Thế mà năm đầu tiên công ty bán cổ phiếu, Minh thờ ơ không thèm mua, giống như nhiều anh chị em công nhân khác. Minh tự bạch: - Lúc đó có biết gì đâu chị, có hiểu cổ phiếu, cổ tức hay cổ đông là gì đâu, chỉ sợ mất tiền thôi. Nhiều lần, đích thân Tổng giám đốc là anh Thắng tổ chức họp công nhân viên lại, giải thích cặn kẽ thì chúng em mới hiểu, mới dám mua. Giờ thì em hiểu nếu muốn có cổ tức cao  thì mình phải làm thật tốt phần việc của mình, như vậy công ty mới phát triển và mới có nhiều tiền để chia. 

 1._Cong_nhan_vui_mYng_sau_khi_ban_CP_ESOP
Niềm hân hoan của CB-CNV sau khi được bán CP ESOP

Bài toán đầu tư tại chỗ của người lao động Đức Thành xem ra rất sáng sủa. Cao Hồng Cẩm, nhân viên phòng thiết kế, cứ tiếc hùi hụi vì đã bỏ lỡ một đợt cổ phiếu được duyệt mua hồi nhiều năm trước. Cẩm phân tích: 100 triệu đồng gửi ngân hàng một năm chỉ được lời 6%-7%, trong khi cổ tức công ty chia từ 40% đến 60% tuỳ năm, nên được mua mà bỏ thì tiếc lắm. Cẩm đã làm việc ở Đức Thành được 14 năm, được mua tổng cộng hơn 5.000 cổ phiếu, mỗi đợt được bán chỉ dám bán vài trăm, còn lại cô để dành phòng thân cho hai mẹ con.

Con gái Cẩm 5 tuổi, hiện sống với ông bà ngoại ở dưới quê, cứ cuối tuần Cẩm lại đi xe đò về thăm con. Cẩm tâm sự: “Nếu năm nay công ty cho mua ESOP nữa, nếu không đủ tiền cũng sẽ vay tiền công ty để mua - công ty có chính sách cho vay không tính lãi - và ví dụ em không làm ở đây nữa, em cũng sẽ giữ lại số cổ phiếu của công ty để hàng năm còn được đi họp cổ đông và gặp gỡ mọi người”. 

Cùng có chung ý tưởng như Cẩm, anh Nguyễn Văn Đức, Phó giám đốc kỹ thuật, bộc bạch: “Tôi luôn muốn giữ lại cổ phiếu GDT để nếu sau này không còn sức làm việc ở Đức Thành nữa, tôi cũng sẽ được đi họp đại hội đồng cổ đông, sẵn sàng đóng góp ý kiến cho anh em, vì công ty phát triển tốt, hàng năm chia nhiều cổ tức thì trong đó cũng có phần của mình”.  25 năm làm việc ở GDT, anh Đức là một trong những người lãnh đạo kỳ cựu ở công ty, làm việc trực tiếp với ba đời giám đốc là ông Lê Ba, bà Lê Hải Liễu và ông Lê Hồng Thắng.
Mặc dù đã đến tuổi về hưu, anh Đức vẫn được công ty trọng dụng lưu lại làm việc và sắp xếp công việc phù hợp với tuổi của anh, một điều mà anh rất cảm kích. Chứng kiến nhiều đợt công ty phát hành cổ phiếu ESOP, anh Đức cho biết: “Cổ phiếu ESOP là một cách thức công ty ghi nhận đóng góp của anh chị em, vì thế mọi người đều phấn khởi, yên tâm mang hết khả năng của mình để làm việc. Họ hiểu làm cho công ty phát triển cũng là làm cho chính mình!”.  

Là một trong những nhân viên đầu tiên của công ty, anh Nguyễn Đức Tình, Giám đốc Kế hoạch Tổng hợp, được ưu ái mua số lượng cổ phiếu ESOP lớn. Trân quý sự ưu ái này, anh Tình và vợ - cũng là một người lao động kỳ cựu trong công ty – đều đem hết sức cống hiến cho công ty. Hơn ai hết, anh Tình hiểu được cách làm việc của CB-CNV sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh.

Và kết quả kinh doanh sẽ quyết định giá trị cổ phiếu và tỷ lệ phần trăm của số cổ tức được chia. Chính vì vậy trong từng cuộc thương lượng mua bán, lúc nào anh và cộng sự cũng tìm cách tăng lợi ích cho công ty,  cũng có nghĩa là tăng  lợi ích cho chính anh và toàn thể cổ đông của công ty. 

ESOP là một trong những sợi dây gắn bó người lao động với công ty

Quy chế ESOP của GDT được soạn thảo chặt chẽ, trong đó quy định tất cả cán bộ công nhân viên công ty đều được mua cổ phiếu với giá gốc 10.000 đồng (trong khi giá thị trường thường dao động quanh mức 40.000 đến 50.000 đồng). Số lượng cổ phiếu mà mỗi người  được mua sẽ do ban lãnh đạo xét duyệt, dựa trên thâm niên và thành tích trong công việc. Tuy nhiên, nếu ai không đồng ý mua thì phần cổ phiếu đó được trả về cho công ty để phân bổ tiếp, công ty nghiêm cấm việc thu gom, mua bán cổ phiếu ESOP của người khác dưới mọi hình thức để trục lợi. 

Kế toán trưởng Bùi Phương Thảo cho biết mỗi lần phát hành cổ phiếu ESOP, mọi người trong công ty đều được mua, ít thì vài trăm, nhiều thì vài ngàn. Sau 1 đến 2 năm sở hữu, CB-CNV có quyền bán 50% và năm kế tiếp được bán 100%, nhưng phần đông chỉ bán một ít để giải quyết nhu cầu cấp bách như đổi xe mới, sửa nhà, gửi tiền về quê…. Từ lúc công ty có chính sách phát hành cổ phiếu ESOP đến nay, Thảo chỉ mua chứ chưa từng bán, cô coi đó là khoản tiết kiệm dự phòng cho tương lai. Làm việc lâu năm ở đây, Thảo chứng kiến nhiều anh em trong công ty giờ đã biết canh mua thêm cổ phiếu GDT trên sàn khi giá hạ, vài ngày sau canh giá tăng lên lại bán, kiếm được khoản tiền không nhỏ. 

Phan Thị Vân, trưởng phòng kinh doanh nội địa, khẳng định cổ tức từ cổ phiếu là khoản thu nhập đáng kể đối với CB-CNV ở đây. Ngoài ra, cổ phiếu ESOP còn là một trong những sợi dây gắn bó người lao động với công ty. Lấy ví dụ từ phòng của mình, Vân kể từ ngày được mua cổ phiếu ESOP, nhân sự phòng nội địa rất ổn định, không ai muốn nghỉ việc. Mỗi đợt phát hành cổ phiếu ESOP, người lao động nào có sự ngần ngại, chưa hiểu, chưa muốn mua thì cấp trưởng luôn giải thích cặn kẽ bằng những bài toán cụ thể, để anh em không ai bị mất quyền lợi. 

Cổ phiếu ESOP tại công ty Đức Thành không chỉ đem đến khoản tiền lời hàng năm cao, thường từ 40% đến 60%, mà rõ ràng đã trở thành “của để dành hấp dẫn” cho tương lai của người lao động, vì giá trị của khoản đầu tư này sẽ được nhân lên gấp nhiều lần. Thật chẳng có động lực làm việc nào cao hơn, khi người lao động có ý thức là họ đang làm việc cho chính họ, bởi hầu hết người lao động của GDT cũng chính là cổ đông của công ty.

Một chính sách rõ ràng đã đem đến kết quả Win-Win cho cả hai: Người lao động và người sử dụng lao động.

2._NV_VP_vui_mYng_sau_khi_ban_CP_ESOP_4
                        CB-CNV vui mừng sau khi được bán CP ESOP

Thiên Thanh

TAG:

Ý kiến bạn đọc