banner  

Chuyện về truyền nhân thứ ba của Gỗ Đức Thành

Thứ ba, 31/10/2017

bg-PC

Kế thừa nghiệp kinh doanh của gia đình, doanh nhân Lê Hồng Thắng đang viết tiếp câu chuyện thành công cho Công ty Cổ phần Gỗ Đức Thành.

VỊ THIẾU GIA KHÔNG NGẠI KHÓ

Tốt nghiệp kỹ sư cơ khí chế tạo năm 1998, Lê Hồng Thắng bắt đầu tham gia hoạt động kinh doanh của gia đình với vị trí Giám đốc Chi nhánh Công ty Đức Thành tại Đắk Lắk. Nhiệm vụ khá nặng nề với chàng trai trẻ vừa bước chân ra khỏi trường đại học.

“Chỉ có lý thuyết từ trường học, muốn thích ứng nhanh và đáp ứng được yêu cầu của công việc, buộc mình phải lao vào thực tiễn”, anh Thắng chia sẻ về những ngày mới về Đắk Lăk làm việc gần 20 năm trước.

Anh kể, những ngày đó, anh không quản ngại vất vả xuống tận rừng cao su để tìm hiểu về quá trình sinh trưởng của loài cây này, cũng như đặc tính của gỗ được sử dụng làm nguyên liệu đầu vào cho các sản phẩm của Công ty. Anh cũng bắt tay vào từng công đoạn như cưa xẻ gỗ, xử lý, rút mủ, chống mối mọt cùng anh em cán bộ kỹ thuật, công nhân, từ đó, tạo ra những thước gỗ nguyên liệu tốt nhất, cũng như tận dụng triệt để nguyên liệu, tránh lãng phí.

Sau hơn 4 năm làm việc tại Chi nhánh Đắk Lắk, Lê Hồng Thắng về lại Sài Gòn đảm nhận cương vị Giám đốc sản xuất Gỗ Đức Thành.Rồi lần lượt, anh kinh qua vị trí Giám đốc nhân sự, Giám đốc thường trực, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Gỗ Đức Thành trước khi ngồi vào chiếc ghế Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc từ năm 2012. Mỗi vị trí có những thách thức, áp lực khác nhau, nhưng anh luôn vui vẻ đón nhận.

“Từ trong khó khăn, tôi đã rút ra được nhiều bài học, kinh nghiệm quản lý, cũng như giúp tôi hiểu rõ thành bại của một công ty chuyên hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến gỗ đều từ khâu sản xuất mà ra. Tôi hay nói vui với anh em trong Công ty rằng, chấp nhận đương đầu với khó khăn là may mắn và cơ hội, bởi nó là con đường học tập nhanh nhất, hiệu quả nhất, mà lại được nhận lương. Khó khăn, thách thức chính là cơ hội để thành công và phát triển”, anh Thắng nói.

Rèn luyện qua nhiều vị trí công việc, từ quản lý sản xuất, đến quản trị nhân sự, điều hành, anh Thắng tự hào, đến thời điểm này, anh đã dung hòa tốt các đòi hỏi từ vị trí CEO của Gỗ Đức Thành.

VÀ CÓ TẦM NHÌN XA

Thương trường như biển cả, khó khăn như lớp sóng, sóng sau xô sóng trước, khó khăn, thách thức không bao giờ hết với doanh nghiệp. Năm 2013, ngành chế biến gỗ trong nước bắt đầu đi xuống do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế trong nước và trên thế giới. Năm 2014, nhiều doanh nghiệp gỗ thua lỗ, phải đóng cửa, đến năm 2015 có chút khả quan hơn. Nhưng từ cuối năm 2016 đến đầu năm 2017, giá gỗ nguyên liệu tăng đột biến, gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp ngành gỗ nói chung và Gỗ Đức Thành nói riêng.

Anh Thắng cho biết, để giảm thiểu rủi ro kinh doanh, doanh nhân, doanh nghiệp cần có tầm nhìn dài hạn về thị trường. Với doanh nghiệp sản xuất gỗ như Đức Thành, cần dự trữ nguồn nguyên vật liệu tối thiểu phục vụ 4 tháng sản xuất, để có thể duy trì hoạt động sản xuất khi nguồn nguyên liệu có biến động bất ngờ.

Không chỉ chú trọng dự phòng nguồn nguyên liệu đầu vào, mà anh luôn “dự phòng” cả thị trường tiêu thụ. Nếu thị trường xuất khẩu gặp khó khăn, Gỗ Đức Thành vẫn còn thị trường nội địa để duy trì hoạt động doanh nghiệp. Đến khi thị trường xuất khẩu ổn định trở lại thì với nguyên vật liệu có sẵn, lực lượng nhân viên có tay nghề sẵn sàng, Công ty có khả năng đáp ứng nhanh các đơn hàng xuất khẩu.

Cũng nhờ tầm nhìn dài hạn, dự trữ được nguồn nguyên liệu dồi dào, nên khi giá gỗ biến động mạnh, Công ty có nguồn hàng giá vốn rẻ, có thời gian chuyển tiếp trước khi điều chỉnh giá đối với đại lý cũng như người tiêu dùng.

“Mọi sự thay đổi nếu có quá trình chuẩn bị thì sẽ dễ dàng tiếp nhận hơn”, anh Thắng nói và cho biết thêm, Gỗ Đức Thành luôn xem đối tác, khách hàng là những người "đồng hội, đồng thuyền". Công ty sẵn sàng chấp nhận giảm lợi nhuận xuống để chia sẻ với khách hàng.

Theo anh Thắng, “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, nếu biết chia sẻ với nhân viên, khách hàng, nhà cung cấp trong lúc khó khăn, họ sẽ hợp tác chặt chẽ hơn với Công ty. Điều đó giúp cho Gỗ Đức Thành thành công và phát triển, đôi khi trong khó khăn Đức Thành lại nhận được những đơn hàng lớn. Nhà bán lẻ Co.opmart đã có trên 20 năm hợp tác cùng Công ty, hay nhiều nhóm khách hàng xuất khẩu gắn bó gần 20 năm. Các nhóm khách hàng này đóng góp tới 50% doanh thu của Gỗ Đức Thành và luôn tăng trưởng hàng năm, giúp cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của Công ty ổn định.

MANG HƠI THỞ MỚI VÀO VĂN HÓA DOANH NGHIỆP

Bắt đầu tham gia Công ty từ đơn vị sản xuất, gần gũi với anh em công nhân, anh Thắng hiểu rõ người lao động cần gì ngoài đồng lương.Đó chính là doanh nghiệp có văn hóa tốt, môi trường làm việc tốt. Thuận lợi của anh khi tiếp nhận vị trí CEO là Gỗ Đức Thành đã tạo dựng được văn hóa doanh nghiệp rất ổn từ hai thế hệ lãnh đạo trước và đang hoạt động rất hiệu quả. Anh đã kế thừa văn hóa đó và mang tới hơi thở mới của sức trẻ và công nghệ quản trị tiên tiến.

Anh chia sẻ, thế mạnh của anh là am hiểu về kỹ thuật, nắm bắt công nghệ tốt hơn, nhất là những phần mềm quản lý, điều hành, vì thế công việc được xử lý nhanh chóng. Anh chia sẻ, anh không ôm đồm công việc, mà thực hiện cách thức trao quyền, phân nhiệm và luôn kêu gọi mọi người áp dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật vào trong công việc. Anh luôn khuyến khích cấp dưới chủ động giải quyết công việc, chứ không nhất quyết vấn đề nào cũng phải thông qua anh.

“Nhiều lúc tôi chấp nhận cả những quyết định chưa đúng ý mình để qua đó, nhân viên có những bài học, kinh nghiệm hữu ích nhất và tôi đặt chế độ thưởng nóng cho những sáng kiến ý tưởng hay. Như vậy, họ sẽ thấy được sự đóng góp và tiếp tục phát huy”, anh Thắng nói.

Với những cán bộ, công nhân viên trong Công ty, CEO hoàn toàn không xa cách. Anh sẵn sàng cầm tay chỉ việc cho nhân viên trong xưởng, giúp họ hiểu sâu hơn về từng chủng loại gỗ, cách tận dụng bề mặt gỗ, lỗi của gỗ để tối đa hóa nguồn gỗ nguyên liệu, giảm tỷ lệ hao hụt…

Sau 4 năm thực hiện chiến lược đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất, năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh của Gỗ Đức Thành tăng lên rõ rệt. Minh chứng là dù giá nguyên liệu tăng và giá bán hàng không tăng, nhưng lợi nhuận của Công ty tốt hơn. Anh Thắng khoe, 9 tháng đầu năm nay, Công ty có doanh thu 267 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ, lợi nhuận trước thuế đạt 97 tỷ đồng, tăng 51% so với cùng kỳ.

Gỗ Đức Thành đang tập trung xây dựng nền tảng vững chắc để trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam về xuất khẩu cũng như cung cấp những sản phẩm chất lượng, dịch vụ tốt cho người tiêu dùng trong nước. Mục tiêu vươn lên vị thế số 1 trong ngành càng thôi thúc với người chèo lái Công ty, CEO Lê Hồng Thắng, trong bối cảnh thị trường trong nước đang chịu sự tấn công mạnh mẽ của các doanh nghiệp nước ngoài.
 

Cẩm Nhung
Nguồn: http://tinnhanhchungkhoan.vn/

TAG:

Ý kiến bạn đọc